NGÔI NHÀ THIẾU BÓNG HÌNH EM
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối:
Trước sân nhà rụng đầy hoa thiên lý
Cổng vắng người qua lại đã bao năm
Bức tường rào giờ cũng lắm rêu phong
Bếp nguội lạnh từ ngày em ra đi vĩnh viễn…
Vọng Cổ:
Câu 01: Tất cả kỷ vật đã mang đi theo chiếc quan tài năm ấy. Sao hình ảnh của em vẫn hoài hiện hữu trong ngôi nhà lạnh lẽo đìu hiu thiếu hơi thở từng đêm của người vợ… ngoan… hiền.
Anh còn nhớ như in ngày tháng sau cùng.
Dẫu bệnh ung thư luôn nhẫn tâm hành hạ, em không để mọi người thấy vẻ tiều tụy xanh xao.
Mái tóc xanh thuở nào dần trơ trụi rụng rơi, chẳng làm em bớt đi nét tha thướt dịu dàng.
Để anh với con khờ được giây phút vững tâm, ánh mắt em ngời lên niềm lạc quan sau cuối…
Câu 02: Em ngồi trước gương nở nụ cười buồn bã, gượng sức chải tóc con lần chải sau cùng.
Trăng trối nghẹn đắng xót xa nghe não nuột tái tê lòng.
“Mẹ sắp ra đi về nơi xa xôi lắm, con ở lại dương trần ngày tháng cút côi”.
Em quét lại căn nhà hoa thiên lý rụng đầy sân, cùng với anh nấu bữa cơm gia đình sau cuối.
Và không nhắc gì đến bệnh tình em nữa, mà nở nụ cười hạnh phúc buồn thương...
Nói Lối:
Anh ước sao khoảnh khắc này còn mãi
Trả lại gia đình người vợ hiền ngoan
Và tình mẹ thiêng liêng ngào ngọt dịu dàng
Cho hoa thiên lý chẳng mãi đầy sân rơi rụng…
Vọng Cổ:
Câu 05: Rồi buổi tối hôm nao em ngước nhìn anh thì thào dòng hơi thở. Anh đã vội kề lưng suốt đêm cho vợ hiền dễ ngủ và giấc ngủ đã chìm sâu cho em nhẹ bước ra đi muôn thuở chẳng... quay… về.
Muôn vạn đớn đau chồng chất khắp tư bề.
Dù vẫn biết ngày này rồi sẽ đến, nhưng sao quá đỗi bàng hoàng hụt hẫng xót xa.
Nhìn bề ngoài cố cứng cỏi trước con, để nỗi đau tột cùng không làm con quỵ ngã.
Nhưng khi chiếc quan tài nằm sâu trong đất lạnh,, anh vật vã đớn đau như ai xé tim lòng...
Câu 06: Vắng em rồi nguội lạnh ngọn lửa yêu thương, anh khóa tim kể từ ngày tang tóc.
Nhìn con cười giống em từ đôi môi ánh mắt, đến mái tóc nhung huyền óng mượt thuở xưa.
Có lần nghe tiếng con nói đằng xa, chạy ra sau ngỡ em về nấu bữa cơm sum họp.
Anh mong sao được cất nỗi nhớ vào sâu ký ức, sống thực tại mà lo con gái huy hoàng.
Sáng mai này anh sẽ quét rác ngoài sân, sơn lại tường rào cùng con hái hoa thiên lý.
Để em khỏi phải u sầu nhìn thấy, hình ảnh đau buồn ảm đạm tháng ngày qua./.
Long Xuyên, ngày 07 tháng 12 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---