NHỚ NGƯỜI MẸ LÀNG SEN
Đặng Thanh Huyền
* Trình bày: Nghệ sỹ Nguyễn Hương
Nói Lối
Con ở miền Nam cuối trời Tổ quốc
Vượt dặm ngàn về thăm quê Bác Làng Sen
Ngọn gió chiều như đón bước chân quen
Chợt nhớ thương xứ Hồng Lam một thuở.
Nam Ai
Bởi nơi đó có một người mẹ được sinh… ra (-)
Đẹp thướt tha (+) khi bước vào tuổi trăng tròn
Dịu hiền ngôn hạnh công dung (--)
Nắng mưa hôm sớm tảo tần (+)
Thêm rỡ ràng quê mẹ thiêng liêng
Luôn miệt mài ngồi canh cửi thâu đêm
Kể sao hết được nỗi niềm (--)
Của người thiếu nữ miền quê (+)
Rồi năm tháng trôi cho sen nở rộ mùa
Ai tìm gặp (+) để trọn chữ nợ duyên
Ôi hạnh phúc ngập tràn (--)
Càng trọn vẹn (+) đầy vơi (+)
Mái lá ba gian vườn cây lành trái ngọt
Suốt bao năm (+) lo hết mực gia đình
Võng ru con, mẹ dệt vải đêm ngày
Động viên chồng ôn luyện văn chương (+).
Vọng Cổ
Ôi mảnh đất thiêng liêng Làng Sen năm ấy. Có người mẹ một nắng hai sương đêm ngày tần tảo đã nhen nhóm ngọn lửa yêu nước, thương dân vào lòng người con ưu tú đất... Nam… Đàn.
Câu 1. Bằng giọng ru êm ả dịu dàng.
Tay võng đưa con, tay miệt mài dệt vải,
Khung cửi tâm tình cùng mẹ suốt canh khuya.
“Làm người đói sạch rách thơm,
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.
Với tấm lòng nhân hậu bao dung,
Mẹ nặng gánh đôi vai suốt một đời không mỏi.
Thơ
Vượt bao đèo, suối, mưa rào
Vào Kinh đô Huế gian lao nuôi chồng
Con thơ giấc ngủ say nồng
Đôi vai gánh nặng mà lòng mẹ vui.
Câu 2. Đôi dép mo cau đậm in tình mẫu tử, đã nuôi lớn mênh mông nhân ái một tấm lòng.
Hoàng Thị Loan – người mẹ anh hùng.
Con xin thắp nén hương với tấm lòng thành kính,
Nơi ngôi mộ chiều gió lạnh núi Động Tranh.
Đọc từng dòng trên bia khắc tình thâm,
Chợt ngậm ngùi đoạn: cảnh lìa xa mẫu tử.
Bốn bể năm châu Người ngàn đêm không ngủ,
Thèm tiếng ru thuở nào của người mẹ Làng Sen.
Lý Cái Mơn
Từ miền Nam ngày đêm mong nhớ
Mảnh đất thiêng liêng quê Người ngát thơm ngàn hoa
Phút bâng khuâng dòng nước mắt rưng rưng ngậm ngùi
Còn nơi đây mái nhà dấu yêu
Năm tháng xưa đùa vui
Bác đợi chờ ngóng trông dáng mẹ đồng trưa.
Vọng Cổ
Nơi mái lá ba gian mắt con nhìn đăm đăm vào khung cửi. Muốn nài nĩ van xin thời gian ơi hãy một lần quay lại thuở người mẹ ngồi đây dệt vải ru con thức trắng vạn... đêm… tàn.
Câu 5. Từng giọt sữa yêu thương nuôi lớn một tâm hồn.
Khi Đất nước còn chìm trong khói lửa,
Bước chân Người theo tiếng gọi non sông.
Lời ru xưa… từ bến cảng Nhà Rồng,
Bác mang theo làm hành trang cứu quốc.
Ngày Bắc - Nam hai miền thống nhất,
Đại thắng mùa xuân dâng lên mảnh đất sen hồng.
Lý Con Sáo
Ôi yêu thương… tha thiết một miền quê hương
Người mẹ hiền thiêng liêng
Đã hy sinh trọn cả cuộc đời
Lòng sắt son muôn thuở chẳng đổi dời
Xúc động nghẹn ngào lòng con nhói đau
Khắc khoải mong Bác vô thăm miền Nam
Triệu đồng bào muôn nhớ thương kính dâng
Gửi tâm hương đất Nghệ An ngàn năm.
Về vọng cổ
Câu 6. Nơi Bác sinh ra mãi đẹp thời thơ ấu, bởi mảnh đất Kim Liên có người mẹ anh hùng.
Mẹ hiền nhân hậu bao dung
Lời ru ấm… dẫu lạnh lùng gió sương
Lo chồng, dệt vải, nuôi con
Tiếng thơm muôn thuở mãi còn lưu danh./.
Long Xuyên, ngày 13 tháng 5 năm 2015.
___________________________________
(* Viết kỉ niệm lần ra thăm quê Bác - Làng Sen và viếng khu mộ bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - tháng 4/2015.
* Bài vọng cổ được đăng trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang tháng 10/2015)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---