YÊU CẢI LƯƠNG TỪ THUỞ LỌT LÒNG
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Nơi quê nghèo mẹ nắng sớm đồng trưa
Cha đôi vai nặng oằn bao khổ nhọc…
“Một đêm mưa nghe trẻ nhà ai bỗng khóc
Tựa tiếng đờn trong vở cải lương”.
Vọng Cổ
Câu 1. Nghe dì Sáu kể mà con chợt rưng rưng dòng nước mắt. Vì vở cải lương hồi con chào đời đêm ấy chắc hòa lẫn với tiếng khóc đầu tiên nuôi nỗi đam mê lời vọng cổ… quê… nhà.
Mẹ trở dạ sinh con khi chưa kịp xem hết vở tuồng. Dì Sáu vội chạy sang làm bà mụ vườn đỡ đẻ, bên vách lá ngôi nhà lất phất giọt mưa rơi. Dì nói “con mày thiệt lạ quá Tám ơi, nó mới nghe vọng cổ đã liền nở nụ cười". Dù mẹ còn quằn quại cơn đau, cũng tiếp lời "nó giống em mê cải lương từ thuở lọt lòng tấm bé ”.
Câu 2. Con còn nhớ như in những ngày xưa thơ ấu, bên chiếc ti vi trắng đen đêm đến rất đông người.
Cha nói “cũng ráng mua xem cải lương vọng cổ quê nhà ”. Rồi mỗi lần đi học về dù đang rất đói, nhưng con chỉ muốn dán mắt mình vào màn ảnh ti vi. Có đêm nhà hết bình không bắt được cải lương, ngồi bên đèn dầu học bài hoài mà sao chẳng thuộc. Nơi quê nghèo đường đêm tối tăm heo hút, lén buột đuốc lá dừa xuống tuốt xóm dưới mà xem.
Nói Lối
Dì Sáu nói “con đừng mê cải lương rồi sẽ khổ
vì tuồng nào mà không sầu não trái ngang ”
Nhưng con thấy “vọng cổ như là máu thịt của quê hương
và cải lương sâu sắc đậm đà tựa tình yêu xứ sở”.
Vọng Cổ
Câu 5. Để khi lớn khôn mặc dù đã thành danh rực rỡ. Nhưng nơi xứ lạ quê người con vẫn từng đêm nhung nhớ thèm được xem lại vở cải lương xưa trên chính mảnh đất… quê… nghèo.
Dù xóm làng nay đã khởi sắc đẹp giàu. Nhưng sao thấy chiếc ti vi màu màn ảnh rộng, không thể sánh bằng màn hình đen trắng ngày xưa. Chắc cũng vì nay vọng cổ cải lương, giữa cuộc sống xô bồ đã làm người đời quên lãng. Nhưng với con tình yêu dành cho cải lương vọng cổ, đã thấm sâu trong huyết quản lâu rồi.
Câu 6. Có những đêm buồn quay quắt nỗi nhớ quê hương, con nghe hoài vở cải lương bằng ra-đi-ô cũ kỹ. Để cảm nhận hết từng lời ca vọng cổ, như được tắm hồn mình nơi cắt rốn chôn nhau. Bài hát này con xin gửi tặng quê hương, như nhắc nhở mọi người hãy giữ gìn lời ca tiếng hát. Luôn đam mê vọng cổ cải lương đậm đà sâu sắc, như yêu thiêng liêng mảnh đất quê nghèo.
Đêm buồn ai hát ngân nga
Bài ca năm cũ quê nhà nhớ thương
Yêu hoài vọng cổ cải lương
Đi xa khắc khoải vấn vương cõi lòng./.
___________________________________
Long Xuyên, ngày 09 tháng 12 năm 2014
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---