BÌNH DƯƠNG ĐẤT VÀ NGƯỜI
A Lý Phượng Tuyền
CAO PHI
Vẹn niềm thủy chung... Đất muôn đời thắm một sắc hồng
Rừng càng thêm xanh, bao sức sống chan hòa ước mơ
Miền Đông đất đỏ muôn thuở là bản hùng ca bất tử
Đất Thủ kiên cường, bao chiến tích vẫn còn lưu danh
(ca lại) -Đất Thủ kiên cường bao chiến tích vẫn còn lưu danh
VỌNG CỔ
1 - Hơn ba trăm năm, tiền nhân ta đã làm một cuộc chinh Nam huy hoàng
thắng lợi, định hình nên miền đất Thủ - Biên nắng gội mưa cuồng... Phải
chống chọi với thiên nhiên cùng bao hiểm họa khôn lường...Hình ảnh người
xưa tay gươm tay kiếm, biết mấy tự hào của thời phá thạch khai sơn (-) Cho
ngày hôm nay một đất Thủ - Bình Dương, từng bước dựng xây trong no ấm
yên lành. Bao xương máu xây thành mới có được ngày nay, trên miền đất sử
anh hùng đượm nồng câu chung thủy.
2 - Nhớ thuở gian nan thời chiến tranh đánh Mỹ, Bình Dương là một chiến
lũy hiên ngang ngăn bước tiến quân thù... Với cảnh bom rơi khói lửa mịt
mù... Mỗi tấc đất hằn sâu bom đạn giặc, cảnh vật tiêu điều cây cỏ xác xơ (-)
Hơn ba mươi năm ngày giải phóng miền Nam, Bình Dương hôm nay trên
đường thay da đổi thịt. Khắp đó đây rộn ràng khu công nghiệp, sức sống mới
vươn mình trên miền đất chiến trường xưa.
NGÂM THƠ
Đất thắm ân tình, đất thủy chung
Rừng xanh vẫn điệp điệp, trùng trùng
Cho dù năm tháng cùng mưa nắng
Không thể phai mờ trước bão giông
VỌNG CỔ
5 - Dáng đứng Bình Dương của những năm tháng chiến tranh kiên cường bất
khuất. Về thăm đất lửa Tân Uyên để tưởng nhớ một nhà thơ đã mất, một thời
với chiến khu Đ anh dũng kiên cường... Tay súng, tay gươm với bầu nhiệt
huyết phi thường... Một thi tướng rừng xanh Huỳnh văn Nghệ, mãi rạng
ngời với vó ngựa trời Nam (-)
Xin về Tân Tịch, Thường Lang
Để nghe xao xuyến bâng khuâng trong hồn
Nén hương tưởng niệm anh hùng
Thi Tướng Huỳnh văn Nghệ, uy danh một thời
6 - Đất và người không thể tách rời nhau, người và đất muôn đời gắn bó.Một
tấc đất không để rơi vào tay giặc, như lời dạy của Bác Hồ còn vang vọng
đâu đây. “Ngày nào đất nước ta còn bóng quân xâm lược, thì ta còn chiến
đấu quét sạch nó đi”, lời của Bác hôm nay đã trở thành hiện thực. Đất nước
ta trên đường vươn vai cất cánh, Bình Dương thắm tươi hơn trong ánh nắng
mai hồng (-)
Đất bao giờ cũng son sắt thủy chung, bởi đó là cội nguồn, là quê hương xứ
sở.
Bình Dương – đất Thủ rạng ngời
Muôn thuở tình người, tình đất chẳng mờ phai.
--------
Tác phẩm đoạt giải B (không có giải A. Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần IV, Do Hội VHNT Tỉnh Bình Dương tổ chức. Phát giải. Ngày 28.10.2011 tại UBND Tỉnh Bình Dương. Nam nghệ sĩ Minh Đức ca diễn báo cáo)
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.