KIM ĐỒNG
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ:
Thôn Nà Mạ, xã Xuân Hòa
Quê anh Hà Quảng thiết tha Cao Bằng
Hội viên của Đội nhi đồng
Nông Văn Dền mãi trong lòng thiếu nhi…
Vọng Cổ:
Câu 01: Với nỗi hờn căm quân thù sâu sắc, tên của anh chính là gang thép đã tôi luyện nên hai tiếng… Kim… Đồng.
Người thiếu niên dũng cảm anh hùng.
Đã làm giao liên cho cách mạng, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Đi một mình giữa rừng núi hiểm nguy, mang thư mật khi lội suối lúc trèo đèo.
Thay cha mình rửa mối thù chung, từ thuở thiếu thời đã nêu cao tinh thần yêu nước…
Câu 02: Vào một buổi chiều thu tháng tám, tại Nà Mạ quê hương anh được gặp Bác Hồ.
Sau khi đưa thư từ Pài Cốc trở về.
Tại hang Nục Én Bác ân cần dò dặn, khuyên Kim Đồng phải gắng học chăm ngoan.
Đó là lần cuối cùng gặp Bác kính yêu, của người đội trưởng đầu tiên Đội nhi đồng Cứu quốc.
Tên tuổi anh làm sáng ngời núi rừng Việt Bắc, dù suối đèo nay thiếu vắng những bước chân…
Nói Lối:
Đùng đùng đùng… tiếng súng của giặc vang lên
Xuyên thịt da người anh hùng niên thiếu…
Đoản Khúc Lam Giang (05 câu cuối):
Dòng máu đỏ tươi chảy tràn…
Không giết được trái tim người thiếu niên anh hùng giao liên
Bước hiên ngang mặc quân thù bủa vây
Để thay lời báo động đánh lừa lũ xâm lăng
Kim Đồng anh dũng hy sinh…
Vọng Cổ:
Câu 05: Trên đường liên lạc về anh phát hiện, quân thù phục kích Việt Minh nguy hiểm… đang… kề.
Lừa bọn giặc hung hăng để chúng nổ súng về mình.
Giúp Mặt trận Việt Minh thoát khỏi vòng vây nguy hiểm, anh đã chọn cho mình sự dũng cảm hy sinh.
Ngã xuống cạnh bên bờ suối Lê – Nin, để mãi là anh hùng thiếu niên cách mạng.
Kim Đồng - tấm gương sáng ngời tuổi trẻ, tên tuổi lưu danh muôn thuở không mờ…
Câu 06: Dẫu anh xa rồi nhưng Đội sẽ mãi noi theo, người anh hùng thiếu niên đã trở thành bất tử.
Bao tấm lòng thiếu nhi trong cả nước, mong mỏi được về thăm bờ suối Lê – Nin.
Nơi Kim Đồng đã dũng cảm hy sinh, hình ảnh khắc sâu rạng ngời trong tâm trí.
Để tuổi trẻ hôm nay không ngừng đi tới, gắng học chăm ngoan tiếp bước những anh hùng.
Ngâm thơ:
Thiếu nhi mãi nhớ Kim Đồng
Anh hùng niên thiếu máu hồng tràn tuôn
Muôn đời ngời sáng tấm gương
Hy sinh tô thắm quê hương thanh bình./.
Long Xuyên, ngày 16 tháng 01 năm 2015.
(Hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bản Tổ và Vọng cổ dành cho thiếu nhi do Thành phố Hồ Chí Minh phát động 2015)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---