VÌ ANH LÀ THỢ XÂY
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối:
Dẫu áo quần anh luôn vá chằng vá đụp
Mùi ôi nồng của vôi vữa lấm lem
Da nhuộm màu mặt khắc khổ sạm đen
Tay bợt trắng bị bào mòn theo năm tháng…
Lý Cái Mơn:
Nhưng tình yêu dành cho em đó
Không chút luốc lem phai mờ chung thủy trong tim
Dù nơi đâu lòng luôn nhớ sắt son về nàng
Người thợ xây cơ hàn tháng năm
Bao khó khăn còn đây
Gửi tâm tình chứa chan mong san sẻ cùng em…
Vọng Cổ:
Câu 01: Vì anh là thợ xây còn cơ hàn năm tháng, nên tình đôi ta cũng chênh vênh như giàn giáo giữa… lưng… chừng.
Dẫu có lúc bấp bênh chao đảo không ngừng.
Nhưng đã trót yêu nhau mặn nồng tha thiết, anh hứa xây dựng công trình vững chắc bền lâu.
Bằng trái tim hồng cốt thép bê tông, với vữa vôi gắn hàn tô thêm sắc thắm.
Dù cuộc tình còn muôn nẻo chông gai, nhưng em hãy vững tin vào một ngày mai tươi sáng…
Câu 02: Anh là thợ xây từ hồi còn tấm bé, thấp hơn cả giàn giáo chênh vênh em thấy bây giờ.
Sắt thép ngổn ngang vật liệu quen rồi.
Những nắng ban trưa quen mùi vôi vữa, bàn tay chai sần quệt lên trán giọt mồ hôi.
Anh gánh vác một phần phụ giúp mẹ cha, để lo cho các em được đến trường đến lớp.
Rồi gặp em buổi tình cờ hôm đó, trái tim bỗng rộn ràng xao xuyến bóng hình ai…
Lý Con Sáo:
Sương rơi rơi nghe buốt lạnh tim lòng chơi vơi
Mình anh ngồi nơi đây
Ánh trăng soi bao thương nhớ đong đầy
Nhờ gió khuya chở vội về
Tặng cho người anh yêu chốn quê
Mong dựng xây ước mơ ngày mai
Em hãy chờ tương lai sáng tươi
Ta có nhau hạnh phúc luôn bền lâu…
Vọng Cổ:
Câu 05: Viên gạch nhỏ trong lòng mỗi ngày dựng xây cao vợi, để đợi tình em là vữa vôi gắn nối… công… trình.
Chung nhịp đập trái tim nuôi lớn cuộc tình.
Ai có nghe chăng tiếng dập dồn nhịp xẻng, như tiếng tơ lòng anh nhờ gió gửi về em.
Bàn tay lẹ làng gấp rút dựng xây, cho đẹp quê hương cho tình ta cao vợi.
Để ngày về xuân ngạt ngào tươi thắm, sánh bước bên nhau tha thiết tâm tình…
Câu 06: Trên khắp nẻo đường giàu đẹp của quê hương, mái ngói thắm tươi từng ngôi nhà khang trang lộng lẫy.
Như có những bàn tay chai sần trong đó, và cả khuôn mặt hiền hòa khắc khổ sạm đen.
Vẫn mùi ôi nồng vôi vữa thuộc quen, em có nghe chăng tình yêu người thợ xây trong đó.
Dù cuộc đời có phong ba bão táp, tình đã dựng xây không nghiêng ngã bao giờ.
Ngâm thơ:
Mọc lên nối tiếp công trình
Đón xuân rộn rã trong từng lời ca
Anh về xây dựng tình ta
Vững bền muôn thuở thiết tha mặn nồng./.
Long Xuyên, ngày 18 tháng 01 năm 2015.
(Viết tặng “cột chèo” – Anh chàng thợ xây)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---