CON ƠI
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Đàn bà xưa chỉ bỏ chồng
Bỏ nhà bỏ của để giành nuôi con
Trời cao có thấu nguồn cơn
Con ơi con hãy oán hờn nữa đi.
Lý Con Sáo
Đêm mưa giông
Mẹ nuốt lệ lòng vào tim
Ôi nghẹn ngào trái ngang
Đời biết bao cay đắng phũ phàng
Khi phải xa muôn kiếp con khờ
Nước mắt đêm trường tràn tuôn ướt rơi
Trong giấc mơ con gọi tiếng: Mẹ ơi!
Nghe cõi lòng như ai xé đau
Chân bước đi chẳng hiểu đang về đâu.
Vọng Cổ
Mẹ bỏ ra đi giữa đêm mưa phập phồng bong bóng. Sau khi đắp chiếc chăn, mặc cho đứa con khờ áo ấm và ru mấy lời ru nghẹn đắng... trong… lòng.
Câu 1. Nội nói với cha là mẹ phản bội lại chồng.
Cha thì nghĩ mẹ là người đàn bà lăng loàn trắc nết,
Sống cạnh bên chồng mà tơ tưởng người xưa.
Bao năm trời mẹ cố ngậm đắng nuốt cay,
Nhịn nhục, khổ đau nuôi con khôn lớn nên người.
Nhưng mẹ chỉ là người đàn bà yếu đuối mỏng manh,
Giữa con sóng dập dồn đời trái ngang muôn nẻo.
Câu 2. Đã biết bao đêm mẹ định bồng con theo bỏ trốn, rời khỏi địa ngục trần gian để quên hết khổ sầu.
Nhưng cứ sợ đời con chịu cảnh thiệt thòi.
Bởi mẹ ra đi chỉ hai bàn tay trắng,
Không sự nghiệp, bạc tiền, chốn chỗ tựa nương.
Dẫu ông bà ngoại hết mực yêu thương,
Nhưng đâu nỡ cho người đời tiếng lời dị nghị.
Mẹ sẽ ra đi về nơi vô định,
Dằn vặt nỗi lòng trĩu nặng đớn đau.
Nói Lối
Dẫu bị những trận đòn roi cha đánh
Nghe từng lời cay nghiệt của nội con
Nhưng phận làm dâu mẹ hết mực lo tròn
Còn với cha, mẹ một lòng thủy chung son sắt.
Vọng Cổ
Nhưng con ơi với đời mẹ chỉ là một người đàn bà lăng loàn trắc nết. Bởi những lời nói, đòn roi của nội, cha đã làm cho thế gian xem mẹ như một kẻ... hư… hèn.
Câu 5. Một nắng hai sương hôm sớm tảo tần.
Phận làm dâu mẹ hết lòng chiều chuộng,
Lo lắng mẹ chồng dâng từng bát nước chén cơm.
Phận làm vợ mẹ hết mực thủy chung,
Cung phụng cho chồng đến từng chân tơ kẽ tóc.
Cho con bú mà mẹ chẳng lần nào không khóc,
Giọt nước mắt đắng cay lẫn lệ thâm tình.
Câu 6. Con ngủ cho ngon đừng khóc đòi mẹ nữa,
Khi đêm trường mưa còn mãi tuôn rơi.
Áo bạc vai sờn đẫm ướt trái tim,
Bỏ lại con mà nghe cõi lòng tan nát.
Mẹ chưa biết về đâu trên đường đời lạnh lẽo,
Bởi sợ chẳng người ngồi canh giấc ngủ cho con.
Chén cơm vị mặn cay chan dòng nước mắt,
Từ đây sẽ không lẫn lệ thâm tình.
Mẹ xa rồi mai mốt lớn khôn,
Con phải nhớ nghe lời cha với nội.
Nếu cha có rước về người vợ mới,
Phải thảo hiếu cho tròn như với mẹ nghe con./.
Long Xuyên, ngày 04 tháng 11 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---