CUỘC CHIA LY NĂM ẤY
Đặng Thanh Huyền
* Trình bày: Nghệ sỹ Nguyễn Hương
Nói Lối
Hồi đó má hãy còn là cô gái quê bé nhỏ
Trên chiếc xuồng chèo từ rừng đước Tam Giang
Tập kết ở Cạnh Đền chuẩn bị rời Nam
Để ra Bắc nơi bến tàu sông Ông Đốc.
Lý Cái Mơn
Từ Năm Căn miền quê yêu dấu
Má bước ra đi con tàu đón đưa rời Nam
Phút chia ly dòng nước mắt lau nhanh gượng cười
Lòng bâng khuâng nặng tình luyến lưu
Má bước đi ngoại nhìn theo
Sóng dập dồn nhớ thương trong dạ Cà Mau.
Vọng Cổ
Trong phút giây bịn rịn tiễn đưa nhau ngoại quấn vội chiếc khăn rằn lên cổ má. Rồi dò dặn: Con ơi hãy vững niềm tin sắt đá một ngày mai Đất nước sẽ... thanh… bình.
Câu 1. Tàu khơi xa dần khuất dạng bóng hình.
Má ngoái đầu nhìn về Năm Căn – Đất Mũi,
Muốn nhắn nhủ mấy lời mà nghẹn đắng chẳng thành câu.
Những cái vẫy tay chào thành ký ức hằn sâu,
Má nhớ như in dẫu mới vừa tròn mười bốn tuổi.
Lòng quyết thề đánh đuổi lũ xâm lăng,
Sục sôi nỗi căm hờn trào dâng lên khóe mắt.
Thơ
Khăn mùi xoa má mang theo
Để nhìn khi nhớ… quê nghèo hiện lên
Mai sau nợ nước đáp đền
Làm con trung hiếu vang rền núi sông.
Câu 2. Nhớ trước đêm lên tàu đi tập kết, má xin phép được về thăm lại mái lá tranh nghèo.
Nơi Trại Lưới - Ông Trang ngoại khua nhẹ mái chèo.
Con sóng Tam Giang đâu bằng ngọn sóng lòng của má,
Còn nặng nợ quê nhà, nặng mối thù chung.
Ăn xôi ngoại nấu mà tay má run run,
Cầm chiếc khăn mùi xoa vội lau dòng lệ đổ.
Một ánh nhìn làm má suốt đời trăn trở,
Mắt ngoại khô cằn như vách núi lở cheo leo.
Nói Lối
Ngoại nói: Ba của bây đi… rồi không trở lại,
Thằng Hiếu, con Thu cũng muôn thuở chẳng quay về,
Riêng anh Hai mày… còn nơi chiến địa xa xôi,
Út nè, con hãy học lấy khí tiết kiên trung của người cộng sản.
Lý Con Sáo
Đêm Năm Căn
Má đứng lặng nhìn quê hương
Muôn nỗi niềm vấn vương
Mắt ánh lên ngọn lửa căm hờn
Tim sục sôi dòng máu anh hùng
Súng đạn quân thù ngày đêm bủa giăng
Gieo đau thương tóc tang khắp miền quê
Ngoại còn ngồi đèn khuya hiu hắt soi
Lệ má rơi thấm ướt đôi bờ vai.
Vọng Cổ
Dòng nước sông quê, mái tranh nghèo suốt đêm xưa mỏi mòn thao thức. Để đợi phút cuối chia xa chạnh lòng lưu luyến được nhìn thấy người con gái Năm Căn trung hậu, đảm đang, bất khuất... kiên… cường.
Câu 5. Dưới mờ sương ngoại tiễn má lên đường.
Rừng đước thẩn thơ, hàng mắm thì ngậm ngùi quyến luyến,
Cá tôm chẳng hẹn mà về tụ hội cửa Ông Trang.
Tiếng còi tàu đang thúc giục reo vang,
Hay tiếng gọi của non sông trong tim lòng bỏng cháy.
Má nhìn đăm đăm nặng tay chèo của ngoại,
Hứa một ngày mai sẽ quét sạch bóng quân thù.
Nói Dặm
Ngày giải phóng:
Gặp lại ngoại, cậu hai… má mừng mừng tủi tủi,
Vẫn khí phách kiên cường của người nữ giao liên.
Bốn mươi năm sau:
Dẫu mắt má mờ, nhưng lòng còn sáng mãi lửa trung kiên,
Má nói: Năm Căn quê mình giờ đẹp như một nàng thiếu nữ.
Lý Năm Căn
Ngày đi tóc má còn xanh
Bờ môi, ánh mắt long lanh
Nhưng lửa kiên gan trong tim
Ngời thiêu đốt quân xâm lược
Dòng sông con nước chờ mong
Ngày đêm bên má ngàn năm
Ôi má là quê hương đất nước trọn tình.
Về vọng cổ
Câu 6. Thương người má Năm Căn dành trọn cuộc đời cho Đất nước, từ thuở xuân xanh đến tóc bạc lưng còng.
Kia - những nhịp cầu liền nối quê hương,
Đây - thị xã trẻ vươn vai đón ánh bình minh ló dạng.
Cuộc chia ly năm xưa quê nhà chìm trong lửa đạn,
Để Tổ quốc được nối liền một dải non sông./.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 5 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---