GIÓ BIỂN HÀ TIÊN
Soạn giả Viễn Châu
Ngâm:
Thạch động Hà Tiên cây rũ bóng
Nhớ đêm nào nghe gió biển lộng trùng dương
Em gởi anh mái tóc thề còn đượm mùi hương
Anh còn giữ trên đường xa diệu viễn
VỌNG CỔ:
Anh ơi biển Hà Tiên còn vương mùi gió mặn
Sao phút chia ly chẳng đặng buổi tao phùng
Câu 1:
Nước chảy bèo trôi khó được chung cùng
Chúng ta đã khắc tên nhau với lời đoan thệ
Giữa đêm rằm trên mỏm núi Tô Châu
Rồi cánh buồm khuất dạng giữa đêm thâu
Em tưởng chừng như dư hương một mối tình đầu
Còn vương trên con thuyền viễn xứ
Câu 2:
Nghe xa xa trên Phù Dung Tự
Đã vang lên những tiếng chuông buồn.
Bình Định, Hà Tiên cách mấy dặm đường
Sớm lưới mây giăng thuyền biếng đổ
Hàng tiêu gió thổi lá xơ rơ
Ngày nào anh nói với em rằng
Dầu muôn dặm quan san dầu nước non cách trở
Nhưng anh chẳng để cho kẻ chung tình phải mỏi dạ chờ mong
Câu 3:
Hò ơ tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau
Nhưng hỡi ơi:
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi
Hoa thơm cửa động còn thơm mãi
Nước chảy dòng trần luống chảy xuôi.
Con thuyền lướt sóng ra khơi
Chia tay chỉ có mấy lời hàn huyên
Ngày anh trở lại Hà Tiên
Thì cô gái nọ lỡ duyên lâu rồi.
Hò Huế:
Hò ơ
Rồng chầu ngoài Huế ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài.
Thương người xa xứ... Hò ơi
Thương người xa xứ lạc loài đến đây
VỌNG CỔ:
Anh yêu em một cô gái quê vùng nước mặn
Em yêu anh một nho sinh lận đận bước phong trần
Câu 5:
Đêm ấy anh giã từ em với giọng nói ngập ngừng
Dãy núi Hoành Sơn tuy diệu vợi nhưng nào ngăn cách mối tình chung
Thuyền nhổ neo em còn mãi đứng trông cho đến khi đôi mi mờ hoen ngấn lệ
Anh tà dương khuất dần trên mặt biển chùa Phù Dung đã điểm tiếng chuông buồn.
Câu 6:
Bãi vắng đêm nay nhìn lá rụng thẫn thờ nghe thấy nhạn kêu sương
Ba thu dài đăng đẳng anh xuôi thuyền trở lại cố hương
Đến nay bến đỗ Đông Hồ đã bao phủ màu sương
Núi Tô Châu mấy bận cây ngàn thay lá
Biển Hà Tiên sóng êm gió lặng
Nhưng cánh buồn xưa vẫn chẳng quay về
Nơi sơn tự Phù Dung đêm nay thấp thoáng
Có bóng nàng thôn nữ đang mang một mối tuyệt tình
Hướng Phật đài để lắng tiếng chuông ngân.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: