LỮ ĐOÀN ANH HÙNG – 962
Đặng Thanh Huyền
Lối
Những con tàu không số “Phương Đông”
Chở khẳm chiến công “đường Hồ Chí Minh trên biển”
Chiến sỹ ta vượt bão giông mở đường vận chuyển
Từ Bắc vào để chi viện miền Nam.
Lý Con Sáo
Bao phong ba
Muôn khắc nghiệt ngoài khơi xa
Đón đợi tàu đi qua
Chống chọi thiên nhiên đối mặt với kẻ thù
Vững niềm tin theo Đảng, Bác Hồ
Trung dũng kiên cường lòng luôn sắt son
Bao chiến công đến muôn thuở còn vang
Dù đương đầu ngàn hiểm nguy, khó khăn
Trước bão giông thêm vững chí, bền gan.
Vọng Cổ
Những con tàu xuôi ngược Bắc – Nam “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Chở khát vọng niềm tin một lòng theo Đảng - ngày thống nhất non sông liền nối dải… sơn… hà.
Câu 1. Giọt mồ hôi rơi quyện máu đổ chan hòa.
Chiến sỹ ta luôn kiên cường mưu trí,
Đánh bại kẻ thù, giành thắng lợi vinh quang.
Nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vũ khí vào Nam,
Chi viện cho chiến trường đang hồi ác liệt.
Khí phách anh hùng – Đoàn chín-sáu-hai,
Hơn năm mươi năm vẫn uy nghi sừng sững.
Thơ
Bên dòng sông Hậu chiều nay
Thuyền neo bến chín-sáu-hai tự hào
Chiến công lừng lẫy năm nào
Điểm tô muôn thuở con tàu “Phương Đông”.
Câu 2. Những chiến công gắn liền với con đường huyền thoại, tên đất tên sông thành tên gọi tự hào.
Rạch Gốc, Đồng Tranh, Bến Vàm Lũng, cồn Tàu.
Lộc An, Thạnh Phong, “Đoàn tàu không số”,
In ký ức hào hùng lòng bất khuất trung kiên.
Xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng,
Dũng cảm, kiên cường vượt qua muôn vàn gian khổ.
Dù thịt nát, xương tan, giọt máu hồng tuôn đổ,
Vẫn vững lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Lối
Thời gian trôi hơn một phần hai thế kỷ
Chí anh hùng mãi bền bỉ với tháng năm
Bao thế hệ đi trước đã ươm mầm
Cho Lữ đoàn nay vươn mình lớn dậy.
Vọng Cổ
Ngày mười-chín về tô hồng thêm trời thu tháng chín. Bên dòng Hậu giang vạn tâm hương thành kính, xin thắp tri ân những anh hùng ngã xuống mà hồn còn dõi theo từng ngọn sóng… con… tàu.
Câu 5. Nơi Thường Phước, Vĩnh Xương còn in bóng anh hào.
Để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước,
Lòng vững vàng chẳng ngại khổ, hy sinh.
Chiến sỹ Lữ đoàn với khát vọng, niềm tin,
Bảo vệ vững chắc non sông, sơn hà gấm vóc.
Người lính Hải quân luôn nêu cao tinh thần dân tộc,
Vì độc lập tự do, chẳng tiếc máu xương mình…
Câu 6. Đoàn kết một lòng; bí mật nhiệm vụ được giao,
“Dũng cảm mở đường, kiên cường giữ Bến”.
Xuất sắc lập công, chấp hành nghiêm mệnh lệnh,
Truyền thống anh hùng bao thế hệ noi theo.
Sông nước Đồng bằng che chở thuyền neo,
Đưa những con tàu theo “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Chở khẳm chiến công góp phần tô điểm,
Một dải gấm hoa trên Đất nước thanh bình.
An Giang vẹn nghĩa thắm tình
Cửu Long đất mẹ vạn nghìn yêu thương
Tự hào Tổ quốc quê hương
Lữ đoàn chói rọi tấm gương Anh hùng./.
Long Xuyên, ngày 16 tháng 9 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---