NGƯỜI GIEO HỒNG ĐẤT THÁP
Đặng Thanh Huyền
Hò
Hò… hớ… ơ…
“Rừng thiêng nước độc thú bầy
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh”
Ngàn đời sử sách lưu danh
Người đi mở cõi… hò… hớ… ơ…
Người đi mở cõi xây mảnh đất lành phồn vinh.
Lý Cái Mơn
Từ ngàn xưa miền quê ta đó
Đất Tháp hoang sơ bốn bề nước dâng đồng chua
Thớt thưa dân loài rắn – sấu dọa đe mạng người
Thừa cá tôm đất còn ngủ yên
Những bước chân đầu tiên
Tạc dáng hình hiên ngang đất mẹ ngày nay.
Vọng Cổ
Đồng Tháp quê ta một thuở chưa xa lên rừng sợ ma, xuống bưng sợ đỉa. Nanh sấu bủa giăng rắn gườm tứ phía mà người đi mở cõi khai hoang đã gieo ngàn nhân nghĩa đất… sen… hồng.
Câu 1. Bão táp phong ba càng thêm bền bỉ vững lòng.
Quyết dưỡng nuôi lớn dần phôi thai đất Tháp,
Cho Cao Lãnh nối liền với Sa Đéc rạng ngời hoa.
Đây cánh sen hồng thấm xương máu ông cha,
Thanh sạch hồn hoa quyện tha thiết tình người.
Nhớ giọng ai hò trên đỉnh lũ chơi vơi,
Giữa đêm hoang soi ánh lửa lòng đi tới.
Hò
Hò… hớ… ơ…
“Tháp Mười sinh nghiệp phèn chua
Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng”
Từ trong đêm tối bão bùng
Vươn mình lớn dậy… hò… hơ… ơ…
Vươn mình lớn dậy rũ bùn đứng lên.
Câu 2. Về Mỹ Hiệp – Mỹ Long nghe ấm lòng một chiều Cao Lãnh, yêu Xẻo Quýt quê hương niềm kiêu hãnh, tự hào.
Tràm, gáo, bòng bong chở che bộ đội năm nào.
Văng vẳng tiếng ai nơi căn hầm bí mật,
Ngỡ Tỉnh ủy đang luận bàn chuyện cơ mật chiều hôm.
Chợt lặng người khi đi qua những hố bom,
Dấu tích một thời của chiến tranh ác liệt.
Bao tuổi thanh xuân dâng đời không hối tiếc,
Ngã xuống giữa bưng biền cho Đất nước được hồi sinh.
Lý Con Sáo
Ôi hương sen
Lan tỏa đậm tình chứa chan
Về thăm làng Hòa An
Nghe miên man thương nhớ ngập tràn
Lòng biết ơn cụ Phó bảng muôn vàn
Vạn cánh sen hồng chúng con kính dâng
Thắp nén tâm hương dạ trĩu nặng ngàn cân
Người một đời dạy trọng chữ nghĩa nhân
Yêu non sông luôn cứu giúp người dân.
Vọng Cổ
Từ mảnh đất Kim Liên, Người đã mang cánh sen hồng về gieo trồng giữa lòng dân đất Tháp. Sống bình dị giữa Hòa An giữ đời thanh bạch bốc thuốc cứu dân tháng ngày dạy học từ bỏ chức quan lòng trong sạch… vô… ngần.
Câu 5. Người là một tấm gương về cuộc sống thanh bần.
Gieo chữ nghĩa nhân, dạy luân thường đạo lý,
Và tình yêu nước nồng nàn của nòi giống Rồng Tiên.
Đứng ngậm ngùi bên Khu mộ thiêng liêng,
Xin kính cẩn thắp nén hương lòng tưởng niệm.
Muôn cánh sen hồng giữa hoàng hôn tím,
Lấp lánh in soi hình ảnh rạng ngời.
Nói Dặm
Quýt hồng Long Hậu – Lai Vung
Ngọt ngon nổi tiếng khắp vùng xưa nay
Nha Mân vốn dĩ trang đài
Vạn muôn “mình hạc xương mai” dập dìu.
Câu 6. Rời Tân Phước xuôi về vùng hoa Sa Đéc,
Nghe tư bề hương tỏa ngát đê mê.
Thấp thoáng “Người tình” bên nhà cổ Huỳnh Thủy Lê,
Gió thoảng đưa về thăm buổi hẹn hò năm cũ.
Sang Định Yên nhớ một thời chợ đêm “âm phủ”,
Tấp nập thương thuyền nơi làng chiếu đậu neo.
Nhớ mãi ơn người đi mở cõi đã gieo,
Mạch đời nhân nghĩa chảy dọc theo đất bưng biền.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen”
Sắc hoa tươi thắm lẫn chen ân tình
Ánh dương hồng rọi lung linh
Trên miền đất Tháp phồn vinh huy hoàng./.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 10 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---