NGƯỜI MẸ XÀ NO
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Hồi còn nhỏ con thường hay hỏi mẹ:
Sao nhà mình thường ăn chỉ cháo rau?
Bụng cứ đau lại xót ruột cồn cào
Thèm chén cơm thịt đầy nhưng chẳng có.
Vọng Cổ
Rồi vào một đêm mưa lạnh lùng giông gió, dòng nước Xà No đưa con xuồng về qua xóm nhỏ, chân bước thấp cao mẹ rạng rỡ… vui… mừng.
Câu 1. Tiếng gọi “con ơi” quyện hương vị thơm lừng.
Chiếc đèn dầu hắt hiu chợt bừng lên ngọn lửa,
Rọi đôi mắt rạng ngời trong trẻo hồn nhiên.
Con vội giở mùng chạy đến bên hiên,
Tay cầm lấy món ngon, tay lau giọt mưa ướt mẹ hiền.
Ấm áp thâm tình mẫu tử thiêng liêng,
Dẫu đi trăm miền vẫn hằn sâu nỗi nhớ.
Câu 2. Kênh xáng Xà No mãi ngọt dòng phù sa nặng chở, về tắm mát đồng xanh thêm rực rỡ quê nhà.
Như tấm lòng của người mẹ kính yêu luôn tha thiết chan hòa.
Khi Hậu Giang còn chìm trong khói lửa,
Mẹ tiễn đưa chồng, mấy lượt giục con đi.
Bên mái tranh nghèo đếm những cuộc chia ly,
Bao bữa cháo rau mẹ nấu bằng nước mắt.
Thương nhớ Thạnh Xuân, mong chờ nơi Cái Tắc,
Đang giữa Một Ngàn mà hồn gửi đất Tầm Vu.
Nói Lối
Rồi tin báo về niềm vui thắng trận
Tiếng quân reo giẫm nát chí quân thù
Mẹ ngóng chờ từ nơi chiến địa – Tầm Vu
Đợi chồng con về để ăn chung đòn bánh tét.
Vọng Cổ
Đêm ấy mẹ sang kênh xáng Xà No bằng chiếc chẹt, bỏ ngọn lửa cháy lan từng đòn bánh khét, con đứng co ro khóc thét giữa… canh… trường.
Câu 5. Như cảm nhận được khói hương đang nghi ngút bên lòng.
Mẹ nén đau thương quấn ba vành tang trắng,
Khi đứa con khờ còn trách giận mẹ bỏ đi.
Đất Một Ngàn thấm nước mắt buổi chia ly,
Chưa khô cạn đã thêm dòng lai láng.
Cha với các anh đã viết nên bài ca bi tráng,
Giữa Châu Thành A những ngày tháng oai hùng.
Câu 6. Đôi mắt mờ tay gầy yếu run run,
Mẹ thắp ba nén hương đều có cùng ngày giỗ.
Mưa ngoài trời chợt động lòng thương đổ,
Giữa rát nắng đầu hè, lần trở lại thăm quê.
Nhớ cồn cào đêm lạnh buốt tái tê,
Mẹ đã mang về cho con tình thâm mẫu tử.
Thương người mẹ anh hùng trên miền đất sử,
Một dạ sắt son muôn thuở chẳng phai mờ.
Vẫn nhớ đêm nào khi nhà cửa xơ rơ,
Mẹ chở che con mặc lưng phủ dầy sương lạnh.
Nay ánh dương hồng rọi trên miền quê lấp lánh,
Con lại chợt thèm bữa rau cháo ngày xưa./.
Long Xuyên, ngày 02 tháng 11 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---