THÁNG 5 VỀ THÊM NHỚ ĐIỆN BIÊN
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Những ngày tháng 5, tôi trở về thăm Chiến dịch Điện Biên Phủ:
“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
Gặp người cựu chiến binh dừng chân lại bên nghĩa trang
Giữa nghi ngút khói hương tay run run mắt mờ ngấn lệ.
Vọng Cổ
Ông bất chợt nhìn tôi phút giây rồi bắt đầu đi vào câu chuyện kể. Đã sáu mươi năm, nay ông mới về đây tìm lại những đồng đội năm xưa đã chiến đấu... quên… mình.
Câu 1. Dấu tích chiến tranh đã gợi lại trong ông những ký ức hào hùng.
Đây còn vết lõm khối thuốc nổ trên đồi A1,
Minh chứng hùng hồn sự thất bại của chủ nghĩa thực dân.
Những chiến sỹ anh hùng nơi trận địa Điện Biên,
Đào từng mét hầm hào dưới làn mưa bom pháo dội.
Mắt dõi nhìn theo nghi ngút khói hương,
Ông nói: Đứng giữa Điện Biên ngập tràn bao ký ức.
Câu 2. Ông vui vì Điện Biên giờ đã thanh bình tươi đẹp, nhưng tiếc thương đồng đội hy sinh nằm lại muôn đời.
Nỗi nhớ năm xưa không diễn tả hết bằng lời.
Ông nhớ như in lần đầu gặp Đại tướng,
Nhận lệnh Người thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Võ Nguyên Giáp chuyển chiến lược phương châm,
Từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Đó là một quyết định vô cùng sáng suốt,
Giành chiến thắng chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu.
Nói Lối
Chiến thắng nào cũng hy sinh mất mát
Để giữa đồi A1 bát ngát hương hoa
Khói hương trầm hòa quyện xương máu ông cha
Cho càng nhớ hơn trời tháng 5 lịch sử.
Vọng Cổ
Hào khí Điện Biên làm cho lòng người khắp mọi miền về đây hội tụ. Để luôn tưởng nhớ công ơn những người đã làm nên lịch sử lừng lẫy năm châu gìn giữ nước... non… nhà.
Câu 5. “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - chiến sĩ anh hùng.
56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt [1]”,
Ý chí kiên cường lòng sắt đá kiên trung.
Còn nợ tang bồng thì đâu ngại hy sinh,
Dẫu băng qua thép gai hay chèn lưng cứu pháo.
Ngày 7 tháng 5 trời Điện Biên làm nên cơn địa chấn,
Khúc ca ngân vang chiến thắng hào hùng.
Câu 6. Tháng 5 về lòng thêm nhớ Điện Biên,
Rực rỡ cờ hoa vững tin bước đường đổi mới.
Mường Thanh giờ lúa xanh mênh mông trải rộng,
Xóa bãi chiến trường bị cày xới ngổn ngang.
Người cựu chiến binh ánh mắt bỗng hân hoan,
Dõi ngắm nhìn xa lật lại từng trang ký ức.
Điện Biên Phủ - một bản hùng ca bất diệt,
Đã viết nên trang sử rạng ngời.
Là phút giây đầu hàng của Đờ-Cát rẩy run,
Khi lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay phấp phới.
Đã 60 năm kể từ ngày chiến thắng,
Vẫn vang mãi ký ức hào hùng mỗi dịp tháng 5./.
Long Xuyên, ngày 07 tháng 5 năm 2014.
[1] Thơ Tố Hữu
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---