VỀ THĂM ĐẤT MẸ NĂM CĂN
Đặng Thanh Huyền
* Trình bày: Nghệ sỹ Nguyễn Hương
Ngâm Thơ
Ai chờ thơ thẩn bến Tam Giang
Đưa tay rẽ sóng nước đôi hàng
Bồ Đề khoan cá đầy tôm nặng
Mưa dầm ba khía cửa Ông Trang.
Lý Năm Căn
Về đây mảnh đất trời Nam
Rừng xanh bát ngát Năm Căn
Sông chở quê đi muôn nơi
Ngày đêm đước trông ngóng đợi
Người xa luôn nhớ về thăm
Tình yêu tha thiết ngàn năm
Son sắt chờ mong nơi đất mẹ rạng ngời.
Vọng Cổ
Dòng nước chờ ai mà ngập ngừng khoan thai chiều lả lướt. Đợi kẻ tha hương trở về thăm bạt ngàn rừng đước, để nghe lại lời mẹ kể năm xưa bóng giặc khắp... quê… nhà.
Câu 1. Khói lửa đạn bom che khuất ánh trăng ngà.
Mẹ phải theo cha bỏ làng rút sâu vô dớn,
Nhớ đước điệp trùng nơi Trại Lưới, Tam Giang.
Giặc phá chợ, đốt đình chiếm đóng Năm Căn,
Dựng bót đồn dở nhà xây công sự.
Gầm rú đêm ngày súng đạn, xe tăng,
Khắp cả xóm làng cuối trời Nam Tổ quốc.
Thơ
Cha đi chiến đấu chưa về
Non sông khói lửa lời thề nặng mang
Từ ngày đầu quấn khăn tang
Nén đau mẹ giữ đất làng, nuôi quân.
Câu 2. Đã bao năm từ ngày cha ngã xuống, mẹ vẫn bám đất, giữ sông, thủ tiết thờ chồng.
Bền vững niềm tin sắt đá một lòng.
Chẳng ngại hiểm nguy tháng năm dài giấu nuôi bộ đội,
Sục sôi nỗi căm hờn bè lũ xâm lăng.
Sương ướt rơi hay lệ mẹ thấm khăn rằn,
Bên bàn thờ cha lúc đèn khuya hiu hắt.
Ngày quê hương hòa bình thống nhất,
Mắt mẹ dù mờ nhưng sáng mãi lửa trung kiên.
Nói Lối
Lòng bồi hồi khi trở lại quê hương
Nghe sóng vỗ hồn chơi vơi thổn thức.
Lý Cái Mơn
Ngày về thăm miền quê yêu dấu
Tiếng gió vi vu cho lòng nhớ thương trào dâng
Đước bao la dòng sông mãi tháng năm tràn đầy
Lòng bâng khuâng nhớ người mến yêu
Em gái ơi giờ đâu
Nhớ câu thề sắt son một dạ chờ anh.
Vọng Cổ
Người rời đất xa quê luôn nặng tình thương nhớ. Nhớ rừng đước mênh mông, nhớ dòng sông êm chảy, nhớ mãi lời ru tha thiết... năm… nào.
Câu 5. Ánh mắt người xưa nhung nhớ cồn cào.
Nhớ nước thủy chung chở đầy tình yêu thương của mẹ,
Dù có chảy trăm nguồn cũng trở về tim.
Nhớ em gái dịu hiền nở nụ cười duyên,
Mãi thắm tươi tựa màu đước quê bát ngát.
Đất mẹ hiền hòa đón mừng đứa con lưu lạc,
Dang rộng vòng tay ấm áp ngọt ngào.
Nói Dặm
Mẹ đã dệt bức tranh quê rạng ngời, lấp lánh,
Đẹp dịu dàng như người con gái Năm Căn.
Thương mẹ lưng còng, tóc bạc, da nhăn,
Cho quê hương dáng đứng hiên ngang, sừng sững.
Câu 6. Nếu ai có về thăm mảnh đất cuối trời Nam, hãy nhớ ghé Năm Căn mừng vui ngày trẫy hội.
Rực rỡ phố phường cờ hoa giăng khắp lối,
Để đón chào thị xã trẻ vươn vai.
Ôi quá đỗi tự hào nơi cắt rốn chôn nhau,
Khi quê hương đã khoác lên mình áo mới.
Phát triển dựng xây không ngừng đi tới,
Cho đất mẹ bay cao muôn thuở rạng ngời.
Năm Căn mảnh đất cuối trời
Đước xanh bát ngát tình người chứa chan
Bên dòng sông ấy - Tam Giang
Nặng sâu nghĩa mẹ, nồng nàn tình em./.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 4 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---