VŨNG LIÊM MẢNH ĐẤT ANH HÙNG
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Nữ: Mời anh về thăm mảnh đất Vũng Liêm
Nơi đậm in mốc son Nam Kỳ khởi nghĩa.
Lý Cái Mơn
Nam: Về quê em lòng nghe xao xuyến
Mảnh đất thân yêu bao ngày nhớ thương chờ mong
Trên quê hương người “Thủ tướng nhân dân” tự hào.
Nữ: Đường thênh thang đón chào xuân sang
Đang đợi anh về thăm
Đất anh hùng Vũng Liêm giàu đẹp ngàn năm.
Vọng Cổ
Nam: Chuyến phà đưa anh sang bờ sông bên ấy, để lại bao luyến lưu nơi Quới Thiện… Thanh… Bình.
Câu 1. “Hòn đảo ngọc” xanh tươi thắm đượm ơn tình.
Dọc sông Cổ Chiên là làng nghề mỹ nghệ,
Đan chiếu – thảm lục bình, làm gốm sứ may thêu.
Nữ: Còn bên này là thị trấn thân yêu,
Nơi những ngày xưa đạn xới bom cày.
Mảnh đất anh hùng còn vết tích chiến tranh,
Của tháng năm liệt oanh Nam Kỳ khởi nghĩa.
Câu 2. Ngày ấy cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, khiến địch hoang mang phải giao nộp súng đầu hàng.
Nghĩa quân ta tuyên bố thành lập chính quyền.
Nam: Trên mảnh đất Vũng Liêm biết bao anh hùng ngã xuống,
Để tô thắm ngàn đời từng ngọn cỏ nhành hoa.
Kia tượng đài Lê Cẩn – Nguyễn Giao,
Làm gợi nhớ trận đánh Cầu Vông lịch sử.
Nữ: Mời anh ghé vào thăm Khu tưởng niệm,
Võ Văn Kiệt muôn đời là “Thủ tướng nhân dân”.
Lý Con Sáo
Nam: Vũng Liêm ơi
Mảnh đất anh hùng năm xưa
Khởi nghĩa Nam Kỳ dội vang
Trên quê hương đất thép thành đồng
Bao đứa con anh dũng kiên cường.
Nữ: Xã thân mình hiến dâng máu xương
Cho thắm tươi tương lai ngày mai
Muôn ngọn cờ tung bay khắp nơi
Để đón xuân hạnh phúc chung niềm vui.
Vọng Cổ
Nữ: Khởi nghĩa Nam Kỳ một trang sử vàng oanh liệt, thể hiện ý chí quyết tâm tinh thần quật khởi của dân tộc hơn bốn ngàn năm bất khuất… kiên… cường.
Câu 5. Mà quân dân Vũng Liêm là những ngọn cờ đầu.
Nam: Luôn tỏ rõ tinh thần ngoan cường chiến đấu,
Anh dũng trước kẻ thù dù chỉ vũ khí thô sơ.
Làm lung lay tinh thần bọn xâm lược thực dân,
Là khởi đầu cho những chiến thắng lẫy lừng vang dội.
Nữ: Mãi kế thừa phát huy vẻ vang truyền thống,
Tiếp nối cha anh dựng xây giàu đẹp quê nhà.
Câu 6. Nay Vũng Liêm đã khoác lên mình áo mới,
Đang đón đợi xuân về rực rỡ cờ hoa.
Nam: Ôi vùng đất anh hùng “địa linh nhân kiệt ”,
Trãi qua chặng đường dài vẫn còn đó hào khí sục sôi.
Đình Bình Phụng trên Bia tưởng niệm còn ghi,
Nhân dân Vĩnh Long đã kiên cường đấu tranh quật khởi.
Nữ: Trung Hiệp quê hương đã sản sinh người con ưu tú
Võ Văn Kiệt mãi sáng soi mảnh đất anh hùng.
Xuân về khắp nẻo quê hương
Nhành hoa tươi thắm máu xương vun bồi.
Nam: Vũng Liêm – Khởi nghĩa Nam Kỳ
Còn vang vọng mãi một thời liệt oanh./.
Long Xuyên, ngày 25 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---