KHUNG TRỜI TUỔI NHỎ
Út Bình Điền
NÓI LỐI
Tôi về đây đứng trước cổng trường
Nhớ về kỷ niệm một thời thân thương.
Nhìn cánh hoa rơi giữa sân trường cũ
Thổn thức tim mình lệ cứ trào tuôn…
VỌNG CỔ:
Câu 1: Bây giờ trăm nhớ nghìn thương, nhớ thầy nhớ bạn nhớ ngôi trường tuổi nhỏ, nhớ cây phượng ngày xưa trổ hoa đỏ … bao … mùa
…Nhớ mái trường nghèo, mưa tạt gió lùa.
Nhớ con đò già, ngày hai lượt qua sông,nhớ đám lục bình theo con nước nổi trôi( * )
Nhớ tiếng trống trường từng nhịp trỗi thân thương, giờ ra chơi nô đùa như đàn ong vỡ tổ.
Nhớ giọng thầy trầm ấm mái tóc điểm sương, vì sự nghiệp “trồng người” vẫn miệt mài trên bục giảng.
Câu 2: Bao năm qua mình đã xa trường xa lớp, nhớ bụi phấn bay bay ngày ấy êm đềm…
Tổ ấm bên nhau bao lời nói diụ hiền.
Đứng đây để mà nhớ nhiều kỷ niệm, hình ảnh bạn bè từng đứa lại hiện ra.(*)
Vẫn nhớ những ngày nước nổi mưa sa, đường quê trơn trợt hai bận đi về.
Chia tay lần ấy mùa hè, nhớ trường nhớ lớp bạn bè…nhớ thương.
NỐI LỐI
Rời trường xa lớp đã mấy năm qua
Lâu lắm bạn bè thầy cô không gặp
Cây phượng từng mùa cũng già theo tuổi
Tiếp nối nổi buồn phượng… lại ra hoa.
Câu 5: Tôi về đây đứng giữa sân trường bơ vơ lạc lõng… Kia, còn sót lại mấy chùm hoa phượng đỏ đong đưa như chào người bạn cũ …năm ….nào….….
Bâng khuâng nỗi nhớ nghèn nghẹn dâng trào.
Nhớ ngày nào nơi đây mang nhiều kỷ niệm, tuổi nhỏ học trò đầy thơ mộng hồn nhiên .(*)
Bao năm rồi chưa về thăm lại trường cũ, vẫn nghe buồn buồn nhớ tổ ấm ngày xưa.
Bạn bè giờ như đàn chim tung cánh, đã … bay xa mỗi đứa một phương trời.
Câu 6: CÒN LẠI ĐÂY QUYỂN LƯU BÚT NGÀY XANH
Bọn mình xa nhau biết bao giờ gặp lại,
Từng chữ từng trang ghi cảm xúc bạn bè, lưu lại một thời để thương để nhớ .
Bao năm rồi mình đã rời trường xa lớp, đâu còn những ngày hồn nhiên hoa mộng.
Bất chợt nhìn xác phượng hồng trong lưu bút, nhung nhớ đọc từng trang mà nghe tiếng ve buồn.(*)
Bây giờ trăm nhớ nghìn thương
Cho tôi sống lại ngôi trường tuổi thơ
Như chim ríu rít líu lo.
Khung trời tuổi nhỏ thật thà hồn nhiên
Tác giả Út Bình Điền khi 13 tuổi đã biết sáng tác thơ văn và có nhiều bài đăng trên báo Tuổi thơ (Sài Gòn) lúc bấy giờ. Đến năm 23 tuổi đã có bài vọng cổ đầu tay “Dấu buồn trên cát”. Những sáng tác của anh chất chứa nhiều nỗi niềm riêng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình thầy cô, bạn bè… Ngoài bút danh Út Bình Điền, nhiều người còn biết đến anh với tên gọi khác như: Út Mót, Hoàng Hải.