NẶNG TÌNH MẢNH ĐẤT AN SƠN
Đặng Thanh Huyền
* Trình bày: Ngọc Điệp
Hò
Hò… hớ… ơ… Thuận An ai khéo vun trồng
Quýt hồng, măng cụt, tấm lòng chân quê
Nghe lời vọng cổ đê mê.
Bỏ công em xuống… hò… hớ… ơ…
Bỏ công em xuống để ước thề cùng anh.
Lý Cái Mơn
Về An Sơn lòng nghe xao xuyến
Mảnh đất yêu thương tư bề ngát thơm ngàn hoa
Gió chen hương hòa chan nắng lẫn pha tình người
Hoàng hôn buông vương tóc thề em bay
Anh ngẩn ngơ nhìn theo
Buông ánh chiều lén hôn bóng rọi người dưng.
Vọng Cổ
Thoang thoảng mùi thương vẫn còn hoài vương trong nỗi nhớ. Lần đó đến quê anh khi mùa hoa vừa chớm nở ngàn gió đưa hương nặng chở mối… duyên… đầu.
Câu 1. Em nào phải cao sang “gác tía son lầu”.
Sao anh lại ngại ngùng e sương rợn gió,
Như mặc cảm phận mình bùn lấm tay chai.
Con gái thị thành đâu phải ai cũng giống như ai,
Trét phấn tô son nhung gấm lụa là.
Em ở Thủ Dầu Một chứ có ở đâu xa,
Cũng áo bà ba nghiêng nghiêng vành nón lá.
Thơ
Tiếng lành đồn khắp gần xa
Gỏi măng ở xứ An Hòa ngọt ngon
Tựa ai vẹn tấm lòng son
Dẫu hoa héo úa … hò… hơ… ơ…
Dẫu hoa héo úa mà tình còn đậm sâu.
Câu 2. Vườn cây trái oằn sai đã vào mùa chín rộ, em trở lại An Sơn mà niềm vui hớn hở dâng tràn.
Trời Thuận An vẫn tia nắng hoe vàng.
Cũng nón lá che nghiêng áo bà ba quen thuộc,
Em nhẹ bước quanh vườn măng cụt cùng anh.
Hạt bụi vô tình vương đôi mắt long lanh,
Nhuộm nỗi ưu tư giữa ngàn xanh hoa lá.
Mẹ nói với em là không được về làm dâu xứ lạ,
Phải ở lại quê nhà mẹ chọn gả chỗ giàu sang.
Lý Con Sáo
Chia tay nhau
Em nấc nghẹn lời đớn đau
Lòng nguyện cầu trời cao
Xin xót thương kỷ niệm hôm nào
Cho lứa đôi thôi nước mắt tuôn trào
Từng đêm lạnh lùng thầm mong ước ao
Gió phương nao chở nhớ thương về đây
Sưởi ấm tim lòng khi giá băng bủa vây
Anh có hay để xớt chia cùng ai.
Vọng Cổ
Thủ Dầu Một giăng giăng ánh đèn đêm bên thềm soi ngóng đợi. Rọi đôi mắt em đang nhìn về một phương trời diệu vợi để biết rằng hai ta cách ngăn là bởi… kim… tiền.
Câu 5. Trăng đồng cảm thương với muôn nỗi ưu phiền.
Nên chạm va với tim lòng thao thức,
Làm bạn tâm tình chia xớt vạn sầu vương.
Mẹ lén nhìn con trẻ thấy xót thương,
Nên mới hỏi: An Sơn nơi nào để biết.
Đứa rể là ai sao em yêu mặn nồng tha thiết,
Mong muốn làm dâu nơi mảnh đất an lành.
Câu 6. Rồi em cùng mẹ về thăm xứ sở quê anh,
Ăn miếng gỏi măng mẹ cứ khen hoài nức nở.
Dặn em là: sau này khi đã làm dâu, làm vợ,
Gắng học mẹ chồng làm món gỏi cho ngon.
Công dung ngôn hạnh phải tròn
Vì em thành thị mẹ còn nỗi lo
Đêm nằm lạnh lẽo co ro
Sợ con xứ lạ có ấm no bên chồng?!
Bao năm hạnh phúc mặn nồng
Mẹ nghe mát dạ ấm lòng thêm hơn
Cây lành trái ngọt An Sơn
Gieo ngàn yêu mến nặng ơn chữ tình./.
Long Xuyên, ngày 30 tháng 10 năm 2015.
___________________________________
(* Viết tặng chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Người con gái Thủ Dầu Một lấy chồng về mảnh đất An Sơn, Thuận An, Bình Dương)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---