NGOẠI ƠI
Đặng Thanh Huyền
(* Viết Kính dâng lên hương hồn của bà Ngoại đã khuất ngày 01/8/2014)
Thơ:
Con đã về bên cạnh Ngoại, Ngoại ơi!
Ngoại có nghe từng lời con nấc nghẹn,
Lệ đắng môi cho ngày không trọn vẹn,
Con muộn màng giây phút tiễn Ngoại đi…
Lý Con Sáo:
Ôi thiêng liêng tiếng gọi thầm Ngoại ơi
Giọt lệ lòng tuôn rơi
Lúc đi xa chắc Ngoại đợi con về
Để trối trăng ôm ấp gần kề
Vĩnh viễn xa rồi tình thâm thiết tha
Luyến tiếc khôn nguôi giây phút cuối lìa xa
Lời dặn dò dù Ngoại không thốt lên
Nhưng mãi trong tim chẳng thể nào quên…
Vọng Cổ:
Câu 01: Ôi khoảnh khắc nào buồn hơn cảnh lìa xa vĩnh viễn. Ngoại ơi có nghe chăng lời con thầm gọi hai tiếng thiêng liêng da diết…. trong… lòng…
Mằn mặn bờ môi suối lệ tuôn dòng…
Có ray rứt nao bằng niềm đau ly biệt,
Khi chẳng kịp về lòng hối tiếc khôn nguôi.
Thèm lắm ánh nhìn phút cuối Ngoại lìa xa,
Để dò dặn dù chẳng thốt nên lời.
Chuyến xe chiều vội vã chở chờ mong,
Vẫn muộn màng lắng nghe lời trăng trối…
Câu 02: Nhớ những ngày xưa khi con vừa lên ba, bốn,
Cùng với chị em, Má chở về thăm ngoại quê nghèo…
Trên chiếc xuồng con nằng nặng tay chèo…
Hình ảnh làm con suốt đời nhớ mãi,
Lưng Ngoại còng đi chống đất bằng tay.
Nhà Ngoại nghèo vách lá gió lung lay,
Bên chiếc võng những trưa hè kẽo kẹt.
Cả một đời luôn bữa cơm đạm bạc,
Gói ghém dành cho từng đứa cháu con…
Thơ:
Con về đây từ đất khách Sài Gòn,
Chỉ kịp nhìn qua ảnh hình linh cữu,
Gọi Ngoại ơi, phải Ngoại đang nằm ngủ?!
Để con chờ Ngoại hỏi tiếng “ai đây?”…
Vọng Cổ:
Câu 05: Rồi con bỗng bàng hoàng trong phút giây chết lặng. Nghe nhói đau, tim lòng thắt quặn chợt vị đắng bờ môi thêm trĩu nặng… tâm… hồn…
Muôn nỗi xót đau cứ đến dập dồn…
Ôi một khi quấn đầu vành tang trắng,
Ta mới thấy mình mất vạn yêu thương.
Con lạy quỳ thành kính thắp nén hương,
Lời nguyện cầu Ngoại linh hồn siêu thoát.
Tim lòng con tựa mưa chiều không ngớt,
Gọi “Ngoại ơi!” thêm chua xót ngậm ngùi…
Câu 06: Ba ngày dài bao giọt lệ tuôn rơi,
Muôn nỗi đau chỉ có đất trời thấu hiểu.
Đoàn người đi kéo dài sau linh cữu,
Kẻ ngậm ngùi, người nấc nghẹn bi ai.
Vẫn ngôi nhà vách lá gió lung lay,
Cũng nơi đây võng trưa hè kẽo kẹt.
Nhưng đâu còn bữa cơm chiều đạm bạc,
Ngoại chống tay thân gầy guộc lưng còng.
Ngâm thơ:
Mưa hay lệ đổ tuôn dòng
Bên mồ của Ngoại ngát đồng lúa xanh
Vạn muôn thương nhớ xin dành
Nén hương con thắp lòng thành kính dâng./.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 4 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---