NHỚ MÁ GÒ QUAO
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Bôn ba vạn dặm năm dài
Loay hoay quên đếm bấy ngày xa quê
Ngón tay tính được lần về
Nước sông chất chứa não nề lòng con.
Lý Con Sáo
Ôi sương giăng
Thương nhớ nặng oằn trong tim
Đồng Nai chìm trong đêm
Bỏ chơ vơ một kẻ ưu phiền
Dõi xa xăm mong mỏi kiếm tìm
Ấm áp thâm tình ngàn canh nhớ nhung
Gió trăng khuya có cảm thông giùm ta
Nơi quê nhà Gò Quao chắc má trông
Đứa con xa bao tháng năm chưa về thăm.
Vọng Cổ
Vội lật lại từng trang ướt nhòe luốc lem dòng nhật ký. Từ buổi con đi lên đường nhập ngũ đến vạn bước bôn ba nơi quê người tứ xứ vẫn gói hành trang là nỗi nhớ má… quê… nhà.
Câu 1. Kiên Giang ơi còn lưu giữ ánh trăng ngà.
Nơi đêm xưa trên chiếc xuồng ba lá,
Má khua mái dầm đục dòng nước sông quê.
Khi bông lục bình còn đang giấc ngủ mê,
Lững lờ trôi từ sông Ba Hồ vô kênh Bửng Đế.
Vườn tiêu ba trồng len lỏi khóe mắt cay,
Đã mười mấy năm vẫn vẹn nguyên mùi thương nhớ.
Nói Dặm
Đưa con má cứ dặn dò
Xa nhà phải nhớ tự lo cho mình
Sương đêm che khuất ánh nhìn
Mà lung linh sáng thâm tình chứa chan.
Câu 2. Nhớ món cơm khô má ngào đường đêm vội, mùi lá chuối tươi vẫn còn nóng hổi giữa tim lòng.
Hương vị ngọt thơm mồ hôi đổ ấm nồng.
Lật từng lớp khăn má lấy hết số tiền dành dụm,
Nhét vào túi áo con khờ như nói hãy an tâm.
Bàn tay guộc gầy sâu nặng tình thâm,
Theo bước chân con trên suốt đường đời hối hả.
Ăn chén cơm nơi quê người xứ lạ,
Chẳng chút ấm lòng bởi thiếu tình má thiêng liêng.
Nói Lối
Đèn chờ ai mà suốt đêm không ngủ
Rọi cồn cào nỗi nhớ kẻ xa quê
Đi loanh quanh chạm lối cũ quay về
Nơi rặng bần sáng soi đời viễn xứ.
Lý Cái Mơn
Kìa màn đêm đèn soi đom đóm
Lấp lánh lung linh bao tình thiết tha trào dâng
Nơi chốn xưa còn in dấu bước chân ngập ngừng
Ngồi bên sông lặng nhìn nước trôi
Nghe sóng xô hồn tim
Lẫn nỗi niềm tháng năm má đợi người con.
Vọng Cổ
Lãng đãng trên sông sương giăng đầy nỗi nhớ. Cho cõi lòng con vô tình chạm phải ánh mắt đêm xưa ướt chảy vạn… thâm... tình.
Câu 5. Má gói ghém vào chiếc khăn rồi cẩn thận giữ gìn.
Theo tháng năm khăn thấm dầy mồ hôi tuôn đổ,
Lau vầng trán muộn phiền hằn những nếp nhăn.
Áo bạc vai sờn má thức mấy mùa trăng,
Canh con nước lớn ròng để khua mái dầm xuồng ba lá.
Từng khóm lục bình nghịch trôi về muôn ngả,
Nuôi lớn đời con tay má vạn chai sần.
Câu 6. Ôi thương dòng Cái Lớn hai làn nước đục trong,
Bên đỏ phù sa bên ngời xanh sắc biển.
Má nắm chặt tay ba phút nghẹn ngào đưa tiễn,
Nhìn đám lục bình hối hả chở qua sông.
Đời má nghèo nhưng tình má mênh mông,
Nuôi con lớn khôn lo chồng đi đánh giặc.
Thương người mẹ kiên gan Vĩnh Hòa Hưng Bắc,
Nhân hậu bao dung khí phách kiên cường.
Quê người viễn xứ tha phương
Miên man nỗi nhớ quê hương đậm tình
Sương mờ lãng đãng còn in
Ánh nhìn của má lung linh rạng ngời./.
Long Xuyên, ngày 30 tháng 5 năm 2015.
___________________________________________________________________
(* Viết tặng anh - Tác giả Trần Việt Liêm - Quê hương xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---