NHỚ NGƯỜI MÁ CHÂU HÒA
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Về quê hương trong những ngày tháng bảy
Thăm Châu Hòa để nghe lại chuyện năm xưa
Thương người Má kiên trinh trên đất Bến xứ dừa
Lòng sắt son trong suốt mùa kháng chiến.
Lý Bông Dừa
Quê mình giờ nắng soi thanh bình
Trời xanh mây trắng bao la lúa vàng ngát thơm
Dừa ơi mùa nhớ thương dâng tràn
Ơn chảy bên lòng ngàn hương đời trong tim
Nào quên người Má quê Giồng Trôm
Oằn vai tháng năm lưng khòm, ta có ngày hôm nay.
Vọng Cổ
Câu 1. Bên chiếc máy may, xưa Má đêm ngày may vá. Còn mãi đậm in tấm lòng cao cả của người Mẹ quê hương đất Bến… Anh… hùng.
Không tải đạn dầm lung mà nghĩa cử lớn vô cùng. Sau Đồng Khởi – Mậu Thân, Bến Tre thành hậu phương vững chắc, cho Quân khu với các tỉnh thành điều dưỡng thương binh. Má âm thầm tiếp tế nuôi quân, gom thuốc men lén gửi ra vùng kháng chiến. Chồng còn ở bưng biền, Má nuôi nấng ba con, tần tảo bao năm vẹn tấm lòng son sắt.
Câu 2. Địch quyết ngăn chặn thuốc men đưa vào vùng căn cứ, nên kiểm soát gắt gao lập đồn bót trong ngoài. Ngôi nhà 17 – Đống Đa giặc lùng sục đêm ngày. Mặt trận thuốc men thành chiến trường nóng bỏng, khi Mỹ Tho lúc bấy giờ còn cách trở phà ngang. Má dặn dò kỹ lưỡng các con, lấy thuốc ngụy trang trong từng hủ mắm. Qua được bót cầu Quay mang về đưa Má, để kịp chuyển vào vùng kháng chiến lo quân.
Lý Con Sáo
Sông Ba Lai
Nặng chở tấm lòng kiên gan
Người Mẹ hiền Nguyễn Thị Sang
Má “Sáu Sanh” trên đất Bến Anh hùng
Nuôi ba con trước giông tố bão bùng
Luôn vẹn giữ lòng sắt son thiết tha
Tiếp tế thuốc men ra chiến trường xa
Bọn giặc thù dù tra tấn dã man
Má vẫn hiên ngang giữa ngày tháng tù giam.
Vọng Cổ
Câu 5. Ơi thương biết mấy người Mẹ Giồng Trôm tháng năm dài thầm lặng. Dưỡng dục con thơ hướng một lòng theo Đảng, Má dệt ánh trăng xuân tỏa rạng đất… Châu… Hòa.
Gieo hạnh phúc bình yên no ấm đến muôn nhà. Để em nhỏ tung tăng trên con đường nhựa mới, cho cây trái sai oằn đi khắp bốn phương. Má xa rồi… các con Má quyết đứng lên, xây dựng quê hương bằng cả trái tim khối óc. Vì độc lập – tự do, vì sơn hà gấm vóc, Má chẳng ngại hy sinh cho dân tộc Anh hùng.
Lý Mỹ Hưng
Giồng Trôm, muôn đời ngát thơm hương dừa
Dòng sông nhớ người xưa, dâng tràn sóng xô trong lòng
Về thăm miền quê yêu dấu, tháng ngày ngóng trông
Ôi Bến Tre ơi, phồn vinh đến muôn đời sau
Má quê hương dừa, sâu nặng ngàn năm chan chứa
Nắng soi Châu Hòa, tươi đẹp sáng bừng ngày mai.
Về Vọng Cổ
Câu 6. Má đã vẽ thanh bình trên xứ dừa đất Bến, đẹp lắm bức tranh xuân tươi thắm quê nhà.
Giồng Trôm mình nay nay cất cánh bay cao, tiếp bước cha ông quyết dựng xây đẹp giàu xứ sở. Tháng bảy về hoa công ơn nở rộ, nhớ người Má Châu Hòa đến muôn thuở không nguôi./.
______________________________________
Long Xuyên, ngày 22 tháng 5 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---