VỀ MIỀN TÂY QUÊ EM
Đặng Thanh Huyền
Nói:
Nam: Xong hết chưa em?! Lên xe nhanh nào anh chở…
Nữ: Gì mà hối dữ vậy hổng biết nữa…
Dạ, xong rồi đi được chưa anh…. tài xế?!
Nam: Vậy xuất phát nhé cô bé miền Tây… yêu dấu của anh!
Lý Cái Mơn:
Nam: Về miền Tây, cùng em yêu dấu!
Cần Đước Nàng thơm Chợ Đào gạo trắng nước trong
Qua Gò Đen lòng bỗng say hơi men nồng nàn…
Nữ: Kìa thanh long Châu Thành ngọt thơm
Dưa hấu ngon lừng danh
Tiếp theo là Mỹ Tho mảnh đất Tiền Giang…
Vọng Cổ:
Câu 01:
Nam: Theo em về miệt vườn miền Tây sông nước, bỏ lại xa hoa ánh đèn màu phố thị để cùng ai chung bước… say… tình…
Nữ: Vất vả gian nan trên khắp nẻo hành trình…
Nam: Vừa qua Long An giờ sang Chợ Gạo, ôi chả nướng thơm lừng đặc sản quê hương.
Nữ: Ăn bánh giá Chợ Giồng nghe ngan ngát mê say; nè ba khía Gò Công, kìa cồn Tân Phong ốc gạo.
Nam: Bến Tre xứ dừa nổi tiếng lắm em ơi, qua Rạch Miễu ta về quê hương Đồng Khởi…
Câu 02:
Nữ: Sao nhớ diết da nhịp cầu Mỹ Thuận, thèm hương bưởi Năm Roi xứ Vĩnh Long này.
Quýt hồng Lai Vung – Đồng Tháp ngọt lành.
Nam: Rồi qua An Giang trên chuyến phà Vàm Cống, để xuôi về vùng bảy núi linh thiêng.
Ơi biển trời Phú Quốc – Hà Tiên, đẹp lắm Kiên Giang từng đoàn tàu khơi xa bám biển.
Nữ: Ta ghé thăm Di tích Nam Kỳ khởi nghĩa, nơi Hậu Giang một thời khói lửa đạn bom…
Nói Lối:
Nam: Dừng lại Sóc Trăng nghe Dù kê múa hát
Ăn tô bún nước lèo, cắn miếng bánh pía ngọt thơm…
Nữ: Lòng bồi hồi khi đến với Bạc Liêu
Nghe mùi mẫn vang xa bài Hoài lang Dạ cổ…
Vọng Cổ:
Câu 05:
Nữ: Để thêm yêu mảnh đất này muôn thuở, bởi muối mặn chứa chan tình người xứ sở nuôi lớn tài tử đờn ca bao năm tháng… thăng… trầm…
Rời Bạc Liêu lưu luyến khôn cùng…
Nam: Đây mảnh đất Cà Mau cuối trời Tổ quốc, rừng đước xanh thẳm một màu ôm đất Mẹ thiêng liêng.
Nữ: Mũi Đất âm thầm lấn dần ra phía biển khơi, cho Đất nước ngày càng thêm đi tới.
Nam: Từ Ngọc Hiển – Năm Căn về phồn hoa đô hội, giữa Cần Thơ ta dạo bến Ninh Kiều…
Câu 06:
Nam: Dòng sông Hậu hiền hòa vị ngọt phù sa, xin chở ta về thăm miền quê hương Long Đức.
Nữ: Để thắp nén nhang nơi đền thờ Bác, và gửi tấm lòng thương nhớ đất Trà Vinh.
Nam: Mai trở về Thành phố Hồ Chí Minh, anh sẽ gửi lại tình yêu nơi miền Tây sông nước.
Để tặng người con gái dịu hiền chân chất, một trái tim thủy chung son sắt trọn đời.
Ngâm thơ:
Nam: Bước chân anh chẳng nỡ rời
Luyến lưu giây phút từng lời gửi trao…
Nữ: Miền Tây em mãi đợi chờ
Sài Gòn ai có thẫn thờ vì ai./.
Long Xuyên, ngày 16 tháng 3 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---