BỐ KHẢI ƠI
Ý thơ: Nguyễn Phương Trang
Lời vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Bố Khải ơi… con muốn hỏi Bố nè:
Sao Bố lại… cứ nằm im mãi thế?
Xong chuyến bay nào… Bố về cũng kể,
Mà hôm nay… Bố chẳng nói câu nào…
Lý Con Sáo
Con ước mong
Bố thức dậy ngồi ôm con
Như mỗi lần về Bắc Giang
Vải ngọt thơm chín mọng rất nhiều
Ông khăng khăng quyết đợi Bố về
Sao Bố ngủ hoài… ngoài kia rất đông
Cứ hỏi thăm… mà sao Bố vẫn nằm im
Bố dậy đi nào… ra đón khách Bố ơi
Họ nhìn con mà nước mắt thầm rơi.
Vọng Cổ
Bố Khải ơi đã mấy hôm rồi Bố ngủ hoài chưa thức. Hãy mở mắt ra đi để được lần nhìn thấy dáng Mẹ nghiêng nghiêng ôm con gái khóc… đêm… ngày.
Câu 1. Mái tóc của con đợi Bố thức dậy cài.
Như mỗi lần mình về Bắc Giang quê Nội,
Bố thích âu yếm thương chìu khẽ gọi tên con.
Rồi ôm ấp vào lòng Bố kể chuyện nước non:
Là bộ đội phải giữ gìn kỷ cương phép nước.
Nhớ con với Mẹ nhiều nhưng đâu thể về thăm,
Bởi còn giữ canh bầu trời Tổ quốc.
Ngâm Dặm
Lâu lâu Bố mới được về
Cùng con với Mẹ cận kề bên nhau
Nhà không dư dả sang giàu
Bố thường nói Mẹ: ngày sau anh đền.
Câu 2. Bố bảo với con là: “Bố con mình cùng yêu thương Mẹ, rồi em bé nhà ta sắp tới sẽ chào đời”.
Bố nói: “Mẹ vất vả quanh năm chịu quá thiệt thòi.
Bố con mình phải chở che cho Mẹ,
Người Mẹ can trường mạnh mẽ của đời con.
Vợ bộ đội mà… còn lắm nỗi lo toan,
Xa vắng chồng… tảo tần nuôi con khôn lớn”.
Con chẳng hiểu sao họ nói: chờ, trông, ngóng,
Nhìn con… ôm ấp… cười, xong lại khóc rưng rưng.
Lý Giao Duyên
Bố mãi xa… quê
Đêm ngày Mẹ… nhớ
Ngồi đợi khóc trông… hoài
Bao tháng năm… dài
Lòng quặn thắt… đau
Mong chờ được bên… nhau
Con khờ khóc… Bố… ơi
Bố hứa với con… Bố phải giữ lời
Khi nào về chở ra phố chơi
Sao con chờ mà Bố vẫn nằm im.
Vọng Cổ
Bố công tác xa quê nên ít được về bên Mẹ. Để kể con nghe giữa bầu trời xanh thẳm có người lính trung kiên canh giữ… quê… nhà.
Câu 5. Lời của Bố hôm nao con vẫn nhớ mà.
Ông với Mẹ và con chỉ mong có thế,
Bố về, ăn cơm, rồi Bố kể con nghe.
Bạn bè hỏi… con mới tự hào khoe,
Bố Khải đang bay giữ trời… bằng cánh sắt.
Nhà mình đông phải mừng con chăm ngoan, đoàn kết,
Nhưng Bố ơi sao con thấy lạ quá chừng.
Câu 6. Họ tặng hoa mà nước mắt rưng rưng,
Trời nóng lắm sao Bố lại trùm chăn kín mặt.
Bố kéo xuống đi, rồi nằm nghiêng cho dễ thở,
Để con ngắm bố cười và được Bố ôm hôn.
Bố Khải hứa là nếu con gái chăm ngoan,
Khi Bố về sẽ cõng con đi chơi ngoài phố.
Con ngoan mà… hôm nay cũng là “ngày của Bố”,
Con hỏi Bố… sao Bố chẳng nói năng gì.
Bố về được mấy ngày rồi Bố mới đi,
Con với Mẹ phải làm gì để Bố cười vui… ở lại.
Bố hứa với con đi mà Bố Khải,
Lần trở về này Bố mãi mãi ở bên con./.
__________________________________
Long Xuyên, ngày 24 tháng 6 năm 2016.
(* Bài viết về Đại tá - Phi công Trần Quang Khải hy sinh trong vụ tai nạn máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 ngày 14.6.2016).
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---