GẶP NHAU TRÊN CHUYẾN XE VỀ
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ:
Thành đô em ở nơi nào
Cho hương xứ biển trôi vào tim anh…
Lý Cái Mơn:
Đang Cần Thơ, mà anh nhung nhớ
Xứ biển quê em ngọt ngào Duyên Hải – Trà Vinh
Nghe trong tim ngàn xao xuyến men say hương tình
Rời Cần Thơ lặng thầm anh đi
Trên chuyến xe lúc chiều đêm
Để được về quê em sánh bước cùng nhau…
Vọng Cổ:
Câu 01: Gác trọ thành đô tiễn bước chân em về thăm hương say xứ biển. Bỏ lại sau lưng quê hương nhà lưu luyến anh rời Cần Thơ trên chuyến… xe… chiều.
Để về thăm quê em thương nhớ bao ngày.
Trên chuyến xe Cần Thơ – Duyên Hải, chở một gã khờ thờ thẫn tương tư.
Xe vừa qua bến bắc ghé lại Vĩnh Long, cho lòng thêm thổn thức bồn chồn.
Duyên Hải mùa này sóng biển mênh mông, có cao bằng tim lòng anh đang dậy sóng…
Câu 02: Trời đã về khuya chuyến xe vừa cặp bến, anh vội vã bước đi trong bóng tối xa mờ.
Biết phải tìm em đang ở phương nào.
Anh lang thang trên bờ cát trắng, nghe gió rì rào thổi hơi lạnh vào tim.
Đành thẫn thờ tâm sự với đêm đen, hỏi thăm em nhưng đêm nào có chỉ.
Bình minh lên đẹp rạng ngời xứ biển, anh lại đi tìm vô vọng bóng hình ai…
Nói Lối:
Vẫn biết em về thăm quê hương cũ
Cho thỏa bao ngày nhung nhớ Trà Vinh
Em xa rồi nghe trống trải nơi tim
Của gã khờ đang lang thang trên miền quê Duyên Hải…
Vọng Cổ:
Câu 05: Tiếp tục kiếm tìm em trên bước đường vô định. Trời Duyên Hải dần trôi cho chiều đêm buông xuống buộc anh phải cất bước… quay… về.
Trên chuyến Duyên Hải – Cần Thơ một dịp tình cờ.
Anh gặp em đang về thành đô gác trọ, mà để anh chờ tìm kiếm muôn phương.
Hãy xích lại gần ngồi cạnh bên nhau, để anh kể em nghe có gã si tình thờ thẫn.
Hắn tìm em suốt đêm dài Duyên hải, làm bạn với đêm nơi biển vắng lạnh lùng…
Câu 06: Chuyến xe về vừa cặp bến Cần Thơ, em vội vã bước đi về nơi gác trọ.
Anh lẽo đẽo theo sau như là đứa trẻ, tim khóc đòi ai đó động lòng thương.
Khi tấm rèm em hờ hững vừa buông, và cánh cổng đã vô tình khép lại.
Thì lòng anh ngổn ngang bao niềm trăn trở, biết em có như cánh cổng tấm rèm.
Ngâm thơ:
Dù cho đời có pha gièm
Thì anh cứ mặc yêu em trọn đời
Đêm nay bão táp tơi bời
Nơi tim của một gã khờ thủy chung./.
Duyên Hải, ngày 22 tháng 6 năm 2005.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---