NỖI NHỚ QUÊ NHÀ
Đặng Thanh Huyền
Lý con sáo:
Thành đô sương lạnh gác trọ buồn về đêm
Lòng ai sầu nhớ thương
Nghe đắng cay mưa lệ những đêm trường
Khóc thương quê nỗi nhớ gia đình
Lòng càng buồn thương nhớ má ba
Nghe tái tê thẩn thơ lòng đau
Biết giờ này ba má ra sao
Mấy em thơ dại nắng mưa bão dông về đâu...
Vọng cổ:
Câu 1: Gác trọ đèn khuya tôi một mình bên khung cửa sổ. Mang nỗi ưu tư muôn vàn thương nhớ biết gửi về đâu trong gió lạnh đêm…tàn.
Để về lại thăm cảnh sống cơ hàn.
Nhìn gánh hàng rong của người đàn bà lam lũ, con nhớ má vô cùng nỗi vất vả gian lao.
Tấm thân gầy hốc hác xanh xao, tần tão sớm hôm nuôi lũ con khờ.
Còn ba thì như cành lá xác xơ, hơn nửa đời người ngoài phong ba bão táp…
Câu 2: Cần Thơ gió lạnh se lòng, quê nhà ba má chờ mong tháng ngày…
Ròng gánh đôi vai suốt những năm dài.
Khi tiếng gà còn chưa gọi sáng, má một mình lặn lội dưới trời sương.
Ôi đồng tiền lẻ mà ấm áp tình thương, là mồ hôi là lệ lòng má đổ.
Phiên chợ nghèo cơn mưa chiều rả rích, muôn vạn nỗi buồn biết than thở cùng ai…
Nói lối:
Ngày được tin con mình vào đại học
Ba má mừng nhưng cũng lắm âu lo
Nhà còn nghèo cơm gạo chẳng đủ no
Sợ con buồn nên buộc lòng phải giấu…
Vọng cổ:
Câu 5: Má hỏi chị hai gạo chiều nay còn đủ nấu. Cho đứa em con mới vừa thi đậu ăn bữa cơm ngon trước lúc lên…đường.
Ba lặng lẽ bước đi ra tận sau vườn.
Nói với út năm mần con gà mái, nấu cháo cho chị mày ăn để mai phải đi xa.
Con nghẹn ngào không dám bước ra, trùm chiếc chăn khóc oà như đứa trẻ.
Anh ba dặn dò cưng đi mạnh khoẻ, nhớ viết thư về thăm ba má nhe hôn.
Út năm dù chưa đủ lớn khôn, nhưng cũng nhìn quanh buồn buồn không nói.
Đêm cuối cùng làm sao tròn giấc ngủ, khắc khoải suy tư thao thức mỏi mòn...
Câu 6: Ánh đèn màu Cần Thơ lộng lẫy xa hoa, nhưng chắc quê nhà đang mịt mờ đêm tối.
Để cho con thêm nỗi nhớ cồn cào về ba má, và không biết đến bao giờ mới trở lại quê hương.
Con mãi hứa với lòng sẽ không bao giờ phụ rẫy công ơn, bởi ba má đã vì con mà đã suốt một đời cơ cực.
Dẫu trời đã về khuya nhưng con vẫn còn thao thức, và cả ánh đèn đêm cũng thương xót ngậm ngùi.
Nỗi nhớ quê nhà không giây phút nào nguôi, con ước gì giờ bên má ba như hồi còn thơ bé.
Để con được nghe tiếng lời hơi thở, của đấng sinh thành cho thôi nỗi nhớ quê hương.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---