TRĂM NĂM HƯƠNG BƯỞI NỒNG NÀN
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Nam. Nhìn tụi nhỏ nô đùa rồi hờn dỗi bâng quơ
Tui nhớ quá…
Hồi mình còn dầm mưa đi hái bưởi.
Nữ. Thiệt là mắc cười cái chuyện…
Tui với ông lén làm đám cưới.
Chú rể khờ lấy hoa bưởi cài lên mái tóc cô dâu.
Nói Dặm:
Nam. Mấy chục năm rồi mà ký ức vẫn cứ mãi hằn sâu
Đó… đó…
Chỗ mà hai nhà làm hàng rào chung bằng liếp bưởi.
Vọng Cổ:
Dưới bóng cây giữa trưa Mỹ Hòa mát rượi. Nhẫn cỏ trao tay tui làm chú rể, vội hái mấy nhành hoa bưởi tinh khôi cài lên mái tóc… nhung… huyền...
Câu 1. Xác pháo là hoa phượng đỏ rụng bên thềm...
Nữ. Đám cưới nghèo nên chẳng có ai buồn đến dự,
Đến nỗi cái cổng chào, cũng làm bằng nhánh bưởi héo khô.
Nam. Chú rể thì đầu trần, đi chân đất bước vô,
Rước cô dâu mà, mà không nói lời nào hết trọi.
Tui nhớ hoài… bà mắc cỡ, nên cúi mặt cười duyên,
Cho hương bưởi ngạt ngào thấm hồn tim lan tỏa…
Câu 2. Nữ. Lúc đó tui mới được bốn - năm, còn ông thì vừa tròn sáu tuổi, cùng với vườn bưởi lớn lên trong gian khổ đói nghèo...
Sông Hậu mênh mông xuồng nặng tay chèo...
Nam. Những chuyến ngược xuôi dưới làn mưa bom pháo dội,
Mẹ đưa bộ đội sang bờ trăng rọi vạn niềm tin.
Nữ. Bởi cây bưởi nặng tình với mảnh đất Bình Minh,
Nên dẫu nắng mưa vẫn rợp xanh màu xứ sở.
Cho tui với ông được nên duyên chồng vợ,
Để quê nhà rực rỡ vạn mùa xuân…
Nói Lối:
Ngày ông lên đường theo tiếng gọi của non sông
Tui hái gửi… gửi mấy nhành hoa bưởi.
Nam. Nhìn ánh mắt bà trông theo vời vợi
Tui chẳng nói được lời nào thì… thì đã vội vã bước ra đi.
Vọng Cổ:
Nữ. Đêm ấy nước mắt tui rơi quyện mùi thơm hoa bưởi. Dẫu chỉ nhìn nhau không lời nhắn nhủ mà như đã gửi trọn niềm tin sẽ chờ đợi… ông… về...
Câu 5. Nhẫn cỏ ngày đêm vẫn gìn giữ cận kề...
Nam. Hương bưởi dịu dàng theo tui ra ngoài chiến trận,
Sưởi ấm tim lòng giá lạnh những canh thâu.
Nợ nước thù nhà, tình son sắt đậm sâu,
Nặng gánh trên vai nuôi chí bền người lính.
Nữ. Giọt lệ chia ly của đêm nào bịn rịn,
Lần nữa ướt rơi thấm hạnh phúc thanh bình…
Câu 6. Nam. Hương bưởi vẫn nồng nàn trên mái tóc nhuộm màu hoa,
Dẫu đến trăm năm cũng vẹn tình yêu thương thuở ấy.
Nữ. Cái ông này… lỡ mà các cháu con nó nghe thấy,
Rồi… rồi thiên hạ họ đồn rùm, xấu hổ cho coi.
Đâu ông hãy chọn giùm tui… một cặp bưởi Năm Roi,
Để mà chưng nhân dịp xuân về tết đến.
Nam. Được thôi!
Chú rể khờ luôn sẵn sàng tuân lệnh,
Chiều ý cô dâu cho đến hết cuộc đời.
Nữ. Lặng nhìn hoa bưởi rụng rơi
Hương thầm như gửi vạn lời yêu thương.
Nam. Tim lòng muôn thuở còn vương
Mối tình sâu nặng bên vườn bưởi xưa./.
Long xuyên, ngày 26 tháng 7 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---