ĐÓA HỒNG BÊN MỘ MẸ
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Con xin dâng đóa hoa hồng tươi thắm
Lên mộ phần của người Mẹ kính yêu
Mùa Vu Lan tím nhớ một góc chiều
Để con được tắm hồn vào bể nhớ thiêng…
Vào Nam Ai
… liêng.
Làm sao quên, hình bóng Mẹ hiền
Cả một đời khổ nhọc, chăm lo
Cho đứa con yêu dấu, dại khờ
Mẹ đã về miền đất lạnh thiên thu
Nơi cửu tuyền mù mịt, âm u
Con ước mong được Mẹ dỗi hờn
Đánh đòn mấy làn roi
Để cho con còn biết thâm tình
Như bạn bè còn Mẹ yêu thương
Đây ngát thơm một cành hồng
Bên mộ phần con dâng
Gởi vẹn nguyên niềm thương nhớ Mẹ
Mùa Vu Lan lạnh lẽo khôn cùng
Nước mắt rơi thấm ướt mộ phần
Con một mình cõi nhân gian.
Vọng Cổ
Câu 1. Cứ mỗi mùa Vu Lan con lại về bên cạnh Mẹ. Để dâng lên đóa hồng tươi thắm quyện nước mắt con rơi màu thương nhớ… khôn… cùng.
Nấm mộ lẻ loi nhang khói lạnh lùng.
Mẹ đã nằm đây qua mấy mùa sương gió,
Mà hồn vẫn đêm ngày dõi bước chân con.
Nhớ tấm thân gầy còm cõi, héo hon,
Mái tóc pha sương gối mỏi, xương mòn.
Vai nặng oằn gánh vạn lo toan,
Nuôi lớn đời con trong cơ hàn, túng quẩn.
Câu 2. Nấm mộ lẻ loi, nơi cửu tuyền lạnh lẽo, con thắp nén tâm hương để sưởi ấm Mẹ hiền.
Tình mẫu tử thiêng liêng quý hơn biển bạc, núi tiền.
Mùa Vu Lan dòng người xuôi ngược,
Kẻ đi viếng chùa người được Mẹ gần bên.
Một nỗi buồn muôn thuở không quên,
Ngày Mẹ xa con về bên kia thế giới.
Một chuyến đi để con khờ ngóng đợi,
Đang cạnh mộ phần mà diệu vợi, thiên thu.
Ngâm Thơ
Đóa hồng thơm ngát lễ Vu Lan
Trắng màu thương nhớ trắng khói nhang
Nước mắt chảy tràn lên mộ Mẹ
Ngày rằm tháng bảy mới vừa sang.
Vọng Cổ
Câu 5. Ôi thương quá, Mẹ một đời gian lao, khổ nhọc. Đã vắt cạn cho con vẹn nguyên bầu sữa ngọt, còn cao cả nào hơn ơn nghĩa… sinh… thành.
Tha thiết, thiêng liêng muôn thuở ngọt lành.
Ngôi nhà vẫn còn đây vách lá,
Nhưng Mẹ xa rồi, nguội lạnh bếp than quê.
Con phương xa chỉ thỉnh thoảng ghé về,
Để nhện giăng trên bàn thờ, di ảnh.
Mùa Vu Lan gió thổi tràn hơi lạnh,
Cho tả tơi một đóa hoa lòng.
Câu 6. Ngày giỗ Mẹ hiền con lại trở về đây,
Thèm lắm vòng tay ngập đầy hơi ấm.
Dẫu guộc gầy, ráp thô, mà ơn tình sâu đậm,
Như lời nghẹn ngào trăn trối lúc đi xa:
“Thương con côi cút mẹ cha
Dương trần lạnh lẽo trăng ngà mờ lu”
Mẹ về bên cõi thiên thu
Vu Lan tháng bảy ai ru giọng buồn.
Mộ phần thấm nước mắt tuôn
Giờ con thấu hiểu ngọn nguồn vì đâu
Sinh thành ơn nghĩa nặng sâu
Chưa tròn chữ hiếu nỗi sầu giăng giăng./.
Long Xuyên, ngày 03 tháng 3 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---