NHỚ MÙA XUÂN HÀ NỘI
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối:
Xuân đã về lòng con chợt ngổn ngang
Nhớ quê hương những ngày xưa bên mẹ…
Nam Ai:
Khi một mình giữa rét lạnh trời… Âu (--)
Vạn yêu thương (+) bỗng tràn ngập trong lòng
Mỏi mòn ánh mắt xa xăm (--)
Nỗi nhớ quay quắt cồn cào (+)
Tháng năm dài thân viễn xứ tha phương
Mẹ mong chờ, con chẳng thể về thăm
Trời đang đông rét buốt lạnh lùng (--)
Nhớ da diết mùa xuân (+)
Háo hức hân hoan nắng nhạt dịu vàng
Yêu cái lạnh (+) của Hà Nội vào xuân
Yêu hương tết quê nhà (--)
Bên cạnh mẹ (+) ngày xưa (+)
Chen chúc chợ hoa niềm vui như trẩy hội
Đêm ba mươi (+) luôn ấm áp gia đình
Mà giờ đây tâm hồn tựa sóng muôn trùng
Lang thang dịu vợi ngàn phương (+).
Vọng Cổ:
Câu 01: Mẹ ơi cái lạnh mùa đông chắc giờ đã nhẹ nhàng êm ái, để Hà Nội vào xuân bừng lên ánh nắng chan... hòa...
Càng làm dâng cao nỗi nhớ tết quê nhà...
Xưa mẹ kể những mùa xuân Đất nước, không khí tết về bao ấn tượng khó mờ phai.
Khi đó mẹ còn những năm tháng tuổi thơ, đã trải qua thời khắc chiến tranh ác liệt kinh hoàng.
Nhưng vẫn nụ cười háo hức hồn nhiên; bởi tết của quê hương luôn hằn sâu nỗi nhớ...
Câu 02: Mẹ nói “ cả năm mới được xếp hàng mua hộp mức, miếng thịt, bánh chưng lúc tết đang kề ”.
Đó là khi còn đói khổ cơ hàn.
Con nhớ mỗi chiều ba mươi chạy lòng vòng chợ Bưởi, để mua lá mùi về nấu nước tắm thơm tho.
Chiều cuối năm bộn bề chuẩn bị bữa tất niên, dẫu ngược xuôi ai cũng muốn về gia đình sum họp.
Nhưng đã biết bao năm con nơi quê người xứ lạ, cứ đêm giao thừa đều lã chã giọt lệ rơi...
Nói Lối:
Nhớ mùi hương trầm linh thiêng vương vấn
Của đêm giao thừa trời đất vào xuân
Khi vãn cảnh chùa cầu phước lộc bình an
Một Hà Nội rất riêng vô cùng đặc biệt…
Vọng Cổ:
Câu 05: Giờ chắc Hà Nội đang phút giao thừa pháo hoa rực rỡ. Con tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ vội vã rèm buông để khỏi nhìn tuyết trắng mường tượng đang chốn quê hương bên cạnh mẹ tươi… cười…
Để dối lòng… chưa xa Hà Nội bao giờ…
Dẫu xứ người cũng đủ đầy mâm cỗ, nhưng vẫn thiếu ngọt ngào ấm áp tết của quê hương.
Phản phất mùi hương trầm thoảng cơn gió heo may, cứ lẩn quẩn không thoát ra khỏi miền thương nhớ.
“ Bàn thờ thắp mấy nén nhang
Hồn bay theo khói lang thang quê nhà ”…
Câu 06: Nhớ da diết Hồ Tây huyền ảo sương mai, nhớ đường Cổ Ngư cùng ai tâm tình ước hẹn.
Nhớ Hồ Gươm mặt nước ngày xuân phẳng lặng, vẳng nghe tiếng hát buồn lời nhạc Trịnh Công Sơn.
Nhớ cảm giác sum vầy những lúc xuân sang, nhớ lời chúc của mẹ hiền dành cho đứa con bé bổng.
Ký ức chợt ùa về càng chơi vơi lạc lõng, hiu hắt đèn khuya tuyết lạnh tim lòng…
Ngâm thơ:
Mùa xuân nỗi nhớ chất chồng
Giao thừa quê mẹ; trời đông xứ người
Tâm can giông tố tơi bời
Tết Hà Nội mãi rạng ngời trong tim./.
Long Xuyên, ngày 31 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---