SÔNG MĂNG NẶNG CHỞ ƠN TÌNH
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Sông Măng, Chánh Hiệp - Tam Bình
Đậm in nỗi nhớ ơn tình nặng sâu.
Lý Cái Mơn
Ơi dòng sông về đâu con nước
Vẫn mãi xanh trong Tam Bình nhớ thương ngàn năm
Con sóng xô từng ký ức hôm nao tràn về
Bình minh lên sáng ngời quê hương
Nhớ công ơn người gieo
Đất anh hùng Vĩnh Long tươi đẹp ngàn năm.
Vọng Cổ
Con xuồng nhỏ vẫn sang sông mỗi ngày hai lượt, để nuôi lớn giấc mơ người con xứ sở… Tam... Bình.
Câu 1. Đói lạnh mồ côi cha, mẹ phải hôm sớm tảo tần.
Chị vì thương em nên sớm rời trường lớp,
Phụ giúp đỡ đần để cùng mẹ chăm lo.
Gửi nỗi lòng theo dòng chảy sông Măng,
Cho nước chở ước mơ hoài bão lớn trong đời.
Người trò nghèo của vùng đất học Vĩnh Long,
Luôn nặng lòng vì quê hương xứ sở.
Câu 2. Vốn sẵn tính thông minh chuyên cần chăm chỉ, Phạm Quang Lễ được sự tin yêu của bè bạn cô thầy.
Đã hình thành nên nhân cách Trần Đại Nghĩa sau này.
Đó là sự kết tinh từ làng quê nghèo Chánh Hiệp,
Và vùng đất “Chín Rồng ” nhân kiệt địa linh.
Với tinh thần yêu nước sục sôi,
Ông đã hun đúc hoài bão về cuộc chiến tranh vệ quốc.
Chế tạo vũ khí chống kẻ thù xâm lược,
Đặt nền móng ngành công nghiệp quốc phòng phát triển vẻ vang.
Nói Lối
Bỏ lại ánh hào quang nơi trời Âu hoa lệ
Ông trở về làm người cộng sản trung kiên
Để chống quân thù là đế quốc thực dân
Bằng sự tận tụy say mê chế tạo ngày đêm vũ khí.
Vọng Cổ
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thì lời dạy của Bác về Chủ nghĩa Mác – Lênin đã đánh thức bao trái tim yêu nước… quay... về.
Câu 5. Phụng sự Tổ quốc thân yêu đánh đuổi quân thù.
Trên chuyến tàu trở về quê hương cùng Bác,
Ông thề một lòng vì Đất nước sắt son.
Nghiên cứu cho ra đời vũ khí phục vụ chiến tranh,
Làm khiếp sợ kinh hoàng bọn thực dân xâm lược.
Việt Bắc – Thu Đông đều giành thắng lợi,
Đánh đuổi lũ xâm lăng giành độc lập nước non nhà.
Câu 6. Nước sông Măng vẫn dòng chảy xanh trong,
Đất Tam Bình mãi tự hào về người con ưu tú.
Nhớ về ông ta nhớ đến một hoài bão lớn,
Và tình yêu nước nồng nàn vô hạn bao la.
Cả cuộc đời sống trọn cho những khát khao,
Đem hết tâm sức mình dành riêng Tổ quốc.
Trần Đại Nghĩa muôn đời là một vì sao sáng,
Soi rọi mãi quê hương Chánh Hiệp – Tam Bình.
Một vị tướng đã đi vào lòng dân tộc,
Sống mãi trong tim đồng bào hình ảnh thanh cao.
Ôi một viện sỹ - giáo sư tài năng đức độ,
Nghĩ về ông ta càng thấy sáng trong tâm hồn./.
Long Xuyên, ngày 26 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---