THĂNG TRẦM VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM
Đặng Thanh Huyền
Lối vào Phụng Hoàng (8 câu)
Tôi lại về bên di chỉ Óc Eo
Nghe tiếng mưa ngỡ lời người xưa vang vọng
Trải mấy ngàn năm như vẫn còn đây ngọn sóng
Vỗ mạn thuyền thuở vương quốc Phù…
1. …Nam.
Một câu chuyện buồn trong quá khứ
2. Truyền thuyết kể rằng có nàng công chúa
Đẹp dịu dàng tên gọi Sô-Ma
3. Là con của vua Na-Ga
Khi chứng kiến nỏ thần
4. Bắn thủng nhiều thuyền chiến
Nàng phải buộc lòng chiều ý, thuận ưng
5. Ngậm đắng, nuốt cay, ngang trái đau thương, làm vợ của kẻ thù
Rồi sinh ra dòng dõi trị vì
6. Là vương quốc Phù Nam bao đời hưng thịnh
Tấp nập tàu thuyền, sầm uất, văn minh
7. Lãnh thổ được mở mang mỗi ngày thêm rộng
Cảnh vật xung quanh tô điểm xứ đẹp giàu
8. Vương quốc Phù Nam một thuở huy hoàng.
Vọng Cổ
Trở lại An Giang tôi mang theo muôn dòng suy nghĩ. Vương quốc Phù Nam trải mấy ngàn năm thăng trầm dâu bể, mà vẫn sừng sững uy nghi cho hậu thế mãi… soi… vào.
Câu 1. Ơi nền văn minh có tự thuở xưa nào.
Trên đất Thoại Sơn dù chỉ còn phế tích,
Nhưng Giồng Cát, Giồng Xoài, gò Cây Thị đã chứng minh.
Vương quốc một thời ngạo nghễ tinh binh,
Đi uy hiếp khắp vùng với vạn muôn voi chiến.
Nước Bàn Bàn, Xích Thổ, Đô Côn…
Vua Phạm Mạn – Phù Nam đời thứ năm thôn tính.
Ngâm Dặm
Ngắm nhìn ngọn núi Ba Thê
Phù Nam vương quốc hiện về trong ta
Một thời sầm uất đã xa
Tàu thuyền tấp nập vào ra nơi này.
Câu 2. Hải cảng mênh mông đón từng đoàn tàu qua lại, ngàn ngọn sóng xô như đang chảy giữa tim mình.
Một thuở Phù Nam tươi đẹp thanh bình.
Tường cao cao quanh lòng đô thị,
Nhịp sống rộn ràng ngày tháng giao thương.
Hôn khẽ bông tràm ngan ngát tỏa hương,
Như chạm va mùi dầu thơm thuở ấy.
Vương triều xưa uy nghi lộng lẫy,
Trong cõi mơ màng ta nhìn thấy nước Phù Nam.
Ngâm Thơ
Nhưng rồi lịch sử đã sang trang
Vương quốc Phù Nam cũng suy tàn
Chân Lạp, Chăm Pa cùng tranh đấu
Giành quyền cai trị đất trời Nam.
Vọng Cổ
Ôi thương phận má hồng luôn vẹn tấm lòng son, đức hạnh. Là Ngọc Vạn công nương của Vương triều Chân Lạp, đã hai lần dẫn dân ta tiến về phương Nam để mở cõi… biên… thùy.
Câu 5. Vùng đất Phù Nam một thuở trị vì.
Đứng trước mênh mông giữa ngàn xanh màu mỡ,
Sẵn tính cần cù ta mở đất khai hoang.
Mặc cho đầm lầy, thú dữ… gian nan,
Trong khổ nhọc lại càng thêm ý chí.
Lao động hăng say qua mấy đời bền bỉ,
Tô thắm trời Nam rạng rỡ tươi hồng.
Câu 6. Nay tôi về bên di chỉ Óc Eo,
Thăm vương quốc Phù Nam một thời vàng son tráng lệ.
Truyền thuyết xa xưa đã bao lần nghe kể,
Mà câu trả lời của hậu thế vẫn chưa xong.
Để rừng tràm cứ ngơ ngẩn trổ bông,
Cho đồng lúa vàng bông mùa ngóng đợi.
Chiều Thoại Sơn ánh nhìn xa diệu vợi,
Thương núi Ba Thê tôi gởi chút ngậm ngùi.
Dù cho sóng gió dập vùi
Vương triều một thuở muôn đời uy nghi
Ngàn năm truyền thuyết còn ghi
Phù Nam vương quốc trị vì xa xưa./.
_________________________________
Long Xuyên, ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---