ĐẤT QUÊ
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Mẹ: Mẹ về quê lụa Tân Châu
Làm dâu từ thuở mái đầu còn xanh
Dâu: Con về mảnh đất an lành
Làm dâu của Mẹ... nuôi tằm, quay...
Vào Văn Thiên Tường
... tơ
Gieo hạnh phúc xây đời, thêm rạng rỡ miền quê
Mùa vui Long Phú, lan tràn đến Long Châu
Cho đất quê mình xanh ngát ruộng dâu, cho tơ vàng óng ả giăng đầy
Mẹ: Nhớ thuở quê hương chìm trong lửa đạn
Lũ giặc tràn sang ào ạt, xơ xác mặc nưa, thưa thớt dâu, tằm
Khiến dân mình năm tháng dài đói khổ, đất oằn mình trong lửa tang thương
Dâu: Mẹ kiên cường, bám đất, giữ sông
Luôn vững tin, son sắt một lòng
Từng trải gió sương, vai sờn, áo bạc
Tiễn đưa chồng ra trận, mãi kiên gan chung thủy đợi chờ
Dù người đi muôn thuở chẳng quay về
Mẹ: Đất quê mình là thương là nhớ
Đến trọn đời luôn tha thiết trong tim.
Vọng Cổ
Dâu: Mẹ ơi món quà - lãnh Mỹ A, Mẹ dành cho dâu hiền xứ lụa. Là ngào ngọt, thiêng liêng, dịu dàng, chan chứa, con nghe ấm buồng tim khi được sưởi lửa thâm... tình...
Câu 1. Dù trải tháng năm con mãi giữ gìn...
Mẹ: Lụa Tân Châu quê mình con hãy mặc, để nhớ thăng trầm qua mấy cuộc bể dâu.
Dâu: Hưng thịnh làng nghề, ơn Mẹ nặng sâu, đêm dệt lụa, quay tơ, ngày ruộng dâu chăm chút. Nuôi đàn con khờ trong cảnh gian truân, vạn giọt mồ hôi hương thơm lừng nhân nghĩa.
Ngâm Dặm
Mẹ: Ruộng dâu uống nước sông Tiền
Một đời Mẹ uống ưu phiền, gió sương
Dâu: Mẹ về thắp sáng quê hương
Dệt mùa hạnh phúc vạch đường con đi.
Câu 2. Mẹ: Nhớ nước lung linh in mối tình sâu đậm, thuở Mẹ về đây nghe say đắm câu hò... Nơi bến sông quê, trên một chuyến đò...
Dâu: Hò... hơ... ơ... Hỡi em má đỏ hây hây
Có thương anh thì hãy... hò... hơ... ơ... Có thương anh thì hãy về xứ này làm dâu
Mẹ: Rồi Mẹ liền đáp:
Nếu anh giỏi giắn... hò... hơ... ơ... Nếu anh giỏi giắn em sẽ gật đầu theo anh.
Rồi mùa nước lên, vàng đồng bông điên điển, Mẹ tiễn Cha lên đường, nước mắt quyện phù sa.
Lý Con Sáo
Dâu: Dâu… ngát xanh
Xanh nấm mộ người đi xa
Mẹ: Mấy mươi năm dài trôi qua
Mẹ thường ra đứng trước hiên nhà
Ngóng phương xa nhắn gửi tâm tình
Điên điển mùa này nấu canh chua cá linh
Ngon lắm ông ơi hãy nhớ trở về ăn
Dâu: Thương nhớ chồng Mẹ gói trong chiếc khăn
Mắt xa xăm ôi vằng vặc một vầng trăng…
Vọng Cổ
Mẹ: Ơi nước Mê-Kông về tắm mát ruộng đồng chở theo dòng phù sa lắng đỏ. Bởi sông nợ quê hương, nợ mùa nước nổi, còn riêng Mẹ mãi nợ Tân Châu lời trăn trối của người ra đi đi mãi không… về…
Câu 5. “Em nhớ: dệt lụa, quay tơ, khôi phục lại làng nghề…”
Dâu: Mẹ nuôi nấng con thơ giữa thời điêu linh, khói lửa, bằng sự can trường, bằng dòng sữa ngọt ngon. Thực hiện tâm nguyện của chồng, giữ vẹn tấm lòng son, đưa lãnh Mỹ A vượt trùng dương, đi năm Châu, bốn Bể.
Mẹ: Nay con về đây hãy cùng với Mẹ, dệt tiếp giấc mơ đã dang dở bao đời.
Lý Cái Mơn
Dâu: Miền quê ơi… ngời lên trong mắt
Ấm áp yêu thương êm đềm với bao mùa vui
Đất Tân Châu màu son sắt máu tim quyện hòa
Mẹ: Nàng dâu ngoan thảo hiền đoan trang
Gieo nắng tươi trời xuân
Muôn sắc màu tỏa lan đất mẹ phồn vinh…
Về Vọng Cổ
Câu 6. Dâu: Con sẽ dệt yêu thương ngọt ngào tặng Mẹ, để bù đắp tháng năm gối mỏi, xương mòn…
Mẹ: Đất quê mình màu bền bỉ, sắt son, hãy nhớ nhe con có lời trối trăn của Cha trong ấy.
Dâu: Con dặn với lòng sẽ đưa làng nghề vực dậy, ai đến một lần đều nhớ mãi lụa Tân Châu./.
_________________________________
Long Xuyên, ngày 19 tháng 8 năm 2016.
(* Bài vọng cổ ĐẤT QUÊ được phát sóng trên HTV trong Chương trình ca cổ cải lương năm 2016)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---