HAI LẦN CÔ KHÓC VÌ EM
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Có bụi phấn nào hoài vương trên khóe mắt
Còn giọt lệ nào đọng mãi nơi tim
Đã hai lần cô khóc vì em
Ơn sâu nặng với tấm lòng cao cả.
Vọng Cổ
Dẫu thời gian có thể xóa bôi vĩnh hằng quá khứ. Nhưng làm sao xóa được hình ảnh ngày xưa trên khóe mắt cô từng bụi phấn... rơi… đầy.
Câu 1. Cô đã dạy cho em bài học lớn làm người.
Xưa tuổi học trò quá dại khờ nông nổi,
Chưa hiểu hết tấm lòng sâu nặng bao la.
Cô khác nào là người mẹ thứ hai,
Đã dìu dắt em qua bao giông bão cuộc đời.
Nhớ giọt lệ nào trên khóe mắt cô rơi,
Vẫn còn đậm in nơi tim lòng em ray rứt.
Nói Dặm
Chiều nay ai vẽ nỗi buồn
Để em hiểu được ngọn nguồn vì đâu
Nơi đây những buổi học đầu
Lời cô in đậm từng câu tạc lòng.
Câu 2. Cô là người đưa đò suốt một đời tâm huyết, đã viết tiếp ước mơ cho bao thế hệ nhân tài.
Em được qua sông thành danh rực rỡ trong đời.
Nay về thăm lại mái trường năm cũ,
Lòng chợt bồi hồi, giây phút ngẩn ngơ.
Thoáng trong hạ buồn em đứng chơ vơ,
Nghe ve kêu não nề, nhìn phượng rơi ngập lối.
Xào xạc lá bàng ngỡ lời ai khẽ gọi,
Mường tượng năm nào cô dò hỏi tin em.
Nói Lối
Mấy dịp về thăm lại mái trường xưa
Em được nghe bạn bè thường hay kể
Cô đã hai lần rưng rưng giọt lệ
Bởi thương đứa học trò lầm lỗi ngày xưa.
Vọng Cổ
Rồi cách đây mấy năm cô đã theo thầy trở ra ngoài Bắc. Để lại trường xưa hai lần bật khóc cho em về lại thăm nghe nghẹn đắng giữa... tim… lòng.
Câu 5. Cô ơi, em quỳ xuống đây xin tạ lỗi dại khờ.
Xưa tuổi hồn nhiên hay bị cô la rầy bắt phạt,
Em luôn nghĩ rằng tại cô ghét bỏ không thương.
Rồi do quá ngây khờ nên giận dỗi trách cô,
Em vội bỏ về đang giữa giờ cô lên lớp.
Đó là lần đầu tiên em đã làm cô bật khóc,
Giọt nước mắt yêu thương còn đọng mãi giữa tim lòng.
Câu 6. Sau khi ra trường em đã mấy bận về thăm,
Nhưng sợ cô còn giận nên chỉ âm thầm bẽn lẽn.
Những lá thư thấm từng lời nấc nghẹn,
Nửa vui mừng nửa ray rứt khôn nguôi.
Em bây giờ là người chiến sỹ hải quân,
Bảo vệ cõi bờ thiêng liêng biển đảo.
Màu mực luốc lem thêm lần cô bật khóc,
Thư gửi hồi âm thơm giọt nước mắt ơn tình.
Xin được gọi cô là mẹ hiền ngào ngọt thiêng liêng,
Để em thấu hiểu hết tấm lòng bao la vĩ đại.
Những cánh hoa xinh tươi muôn màu rực rỡ,
Là nhờ thân phượng già cằn cõi dưỡng nuôi./.
Long Xuyên, ngày 20 tháng 11 năm 2014.
________________________________
(*Viết tặng tất cả thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---