DUYÊN NỢ XỨ DỪA
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Nam: Tà dương lấp loáng bềnh bồng
Tóc thề em xõa bên dòng Ba Lai.
Nữ: Hương tình theo ngọn gió bay
Chạm vào nỗi nhớ của ai một chiều.
Lý Cái Mơn
Nam: Hàng dừa xanh chiều nghiêng soi bóng
Sóng nước lung linh in hằn nhớ thương ngày nao
Thuở bên nhau lời hẹn ước gửi trao mặn nồng.
Nữ: Về quê anh cây trái lành ngọt thơm
Cho vấn vương lòng em
Yêu xứ dừa thiết tha giữ vẹn tình chung.
Vọng Cổ
Nam: Thương ánh mắt long lanh len lén nhìn anh khi hoàng hôn sắp buông mành ôm dòng sông thơ mộng. Em có nghe thấy gì không giữa bốn bề gió lộng đáy nước lung linh in bóng vai… kề.
Câu 1. Đất Bến reo vui mừng đón em về.
Nữ: Trước phong cảnh nên thơ miệt vườn sông nước,
Em bỗng nghe lòng rộn rã niềm vui.
Phù sa đắp bồi cho cây trái oằn sai,
Cho Phú Túc, Quới Sơn ngọt mùa no ấm.
Nam: Sông nợ đất Châu Thành nên sông về tắm mát quê hương,
Anh muốn được nợ em… để suốt đời thương nhớ.
Ngâm Dặm
Nữ: Sông dài thăm thẳm dừa xanh
Con người hồn hậu đất lành em thương.
Nam: Nhà anh còn trống mảnh vườn
Cây duyên cây nợ ai thương trồng giùm.
Câu 2. Nữ: Sánh bước bên anh dưới rặng dừa xanh thẳm, yên ả sông trôi mà nghe sóng vỗ trong lòng.
Chuyện nợ duyên biết ba mẹ có bằng lòng.
Nam: Anh hiểu mà… thôi, mời em du thuyền thưởng ngoạn,
Trên sóng nước sông Tiền ngắm cầu Rạch Miễu lung linh.
Kìa rặng bần hoa trắng tím ven sông,
Mải miết đong đưa cợt đùa trong gió.
Nữ: Em sợ tình ai cũng như loài hoa ấy,
Trêu ghẹo để rồi đau khổ cho ai.
Lý Con Sáo
Nữ: Nghiêng nghiêng soi mái tóc thề em thương
Nam: Như rặng dừa quê hương
Luôn chở che đất mẹ anh hùng
Cho anh yêu nét đẹp dịu dàng.
Nữ: Xin gửi tấm lòng thủy chung thiết tha
Tặng cho ai có ai hiểu người ta
Nam: Mong em về làm dâu Bến Tre
Để yêu hơn mảnh đất cù lao.
Vọng Cổ
Nữ: Ơi đẹp xiết bao những chàng trai, cô gái. Nhẹ mái chèo buông trên dòng sông thơ mộng, xuồng chở khách nhàn du khám phá đất Châu... Thành.
Câu 5. Cồn Phụng, Cồn Tiên cây trái ngọt lành.
Nam: Em thấy không Cửu trùng đài sừng sững,
Nơi hội tụ linh khí đất trời tòa tháp uy nghi.
Nữ: Miền đất thân thương màu xanh thẳm diệu kỳ,
Yêu dòng nước Hàm Luông lắng bồi ấp ôm từng hạt cát.
Để dâng cho đời niềm vui hạnh phúc,
Dào dạt yêu thương tha thiết ân tình.
Câu 6. Nam: Nhấp ngụm trà mật ong ngọt lẫn pha,
Em có nghe chăng hương vị tình người xứ sở.
Nữ: Mai xa rồi chắc lòng luôn thương nhớ,
Biết đến bao giờ mới trở lại quê anh.
Để được ngắm nhìn thăm thẳm rặng dừa xanh,
Được thổn thức bâng khuâng trước hoa bần trắng tím.
Nam: Dòng nước chiều đêm chợt vương buồn lưu luyến,
Chở nỗi lòng anh trôi mãi đến phương nào.
Nữ: Đêm nay ngan ngát hương dừa
Em về anh ở nghe mưa ngập lòng.
Nam: Nhà anh còn mảnh vườn không
Cây duyên cây nợ ta trồng nghen em./.
____________________________________
Long Xuyên, ngày 12 tháng 12 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---