NHỚ VĨNH THUẬN QUÊ HƯƠNG
Đặng Thanh Huyền
NÓI LỐI
Đêm tha hương nghe tim mình thổn thức
Nhớ cánh đồng năn, nhớ bát ngát ruộng bồn bồn
Vĩnh Thuận ơi những ngày xưa lửa khói
Đất oằn mình cõng đời nội gian…
VÀO NAM AI
… nan
Khi giặc tràn sang nội tiễn đưa chồng
Đi trả nợ tang bồng bên cánh đồng năn
Trao chiếc khăn thấm đượm câu thề:
“Em đợi anh về ngày thống nhất non sông
Vẹn giữ lòng tha thiết sắt son
Nuôi con lớn khôn tiếp bước cha mình
Quyết giữ gìn Tổ quốc thiêng liêng”
Ơi lửa trung kiên hừng hực lan tràn
Thiêu đốt bạo tàn bè lũ xâm lăng
Ơn nghĩa giăng giăng thơm ngát quê nhà
Mãi tự hào một bản hùng ca
Xa xứ bao năm con chưa về thăm Vĩnh Thuận
Tắm yêu thương giữa xanh ngát bồn bồn
Để từng đêm nghe dạ bồn chồn
Nhớ dập dồn nội ơi.
VỌNG CỔ
Xưa tiễn đưa chồng lên đường ra mặt trận. Nội tần tảo nuôi con vẹn tấm lòng son sắt chờ đợi người đi nơi khói lửa… chưa… về...
CÂU 1. Bên cánh đồng năn còn in đậm câu thề… “Em đợi anh về nhìn con khôn lớn, nối bước cha mình đi bảo vệ nước non. Tên Hòa Bình em sẽ đặt cho con, vẹn giữ lòng son với Vĩnh Thuận quê nhà”. Ngọn lửa hồng nội nhen nhóm đời cha, mười sáu tuổi tròn đã xông pha chiến tuyến.
NGÂM DẶM
Hai lần đưa tiễn nội ơi
Giấu dòng nước mắt nghẹn lời chứa chan
Giặc thù đàn áp dã man
Tin chồng ngã xuống khăn tang ngậm ngùi.
CÂU 2. Nén nỗi đau thương tiễn con lên đường đi đánh giặc, khi vành khăn tang nội quấn chặt trên đầu...
Sông Trẹm còn in đôi mắt đỏ ngầu... Vò võ từng đêm bên ngọn đèn dầu hiu hắt, nội thầm nhắc câu thề son sắt ngày xưa: “Bông bồn bồn rụng trắng buổi tiễn đưa, lòng dặn lòng sẽ chờ người trở lại. Vậy mà ông đành lòng bỏ tui đi mãi, để nước mắt thương chờ cứ ngược chảy vào tim”.
NÓI LỐI
Khi cha con vẫn còn nơi chiến địa
Nội quê nhà giấu bộ đội nuôi quân
Ngày hòa bình giọt nước mắt rưng rưng
Nửa vui mừng nửa chạnh lòng chua xót.
VỌNG CỔ
Trên mảnh đất Kiên Giang có người vợ ngậm ngùi bên bàn thờ lau di ảnh. Giọng buồn đau: “Đã mấy mươi năm chồng hy sinh ngoài chiến trận mà đợi đến ngày thống nhất non sông tui mới đưa được… ông... về…
CÂU 5. Nhoi nhói lòng đau dầy phủ khắp tư bề… Dẫu thằng Hòa Bình kịp về ngày giải phóng, nhưng máu thịt một phần còn nằm lại dưới lòng sông. Cái tính nó can trường giống hệt như ông, mới mười mấy tuổi đầu đã xông pha ngoài trận tuyến”. Thương lắm nội ơi hai lần đưa tiễn, bên cánh đồng năn nước mắt thấm khăn rằn.
LÝ CON SÁO
Hoa công ơn
Thơm ngát đậm tình chứa chan
Bên bàn thờ khói nhang
Hương tỏa lan trên khắp quê nhà
Nhói đau lau nước mắt chan hòa
Tình nghĩa đậm đà gói trong chiếc khăn
Mắt xa xăm nhìn về phía cánh đồng năn
Đêm đồng bằng dáng nghiêng nghiêng dưới trăng
Nội chẳng nói năng mà nhớ thương đầy giăng.
VỀ VỌNG CỔ
CÂU 6. Thương nhớ khôn nguôi đợi ngày về thăm Vĩnh Thuận, rảo bước thong dong ngắm ruộng bồn bồn.
Quê hương mình nay rạng rỡ phồn vinh, nhờ vạn đóa công ơn ngạt ngào tô thắm. Đời nội gian truân mà tình sâu nghĩa nặng, trên mảnh đất anh hùng thầm lặng một loài hoa./.
______________________________
Long Xuyên, ngày 19 tháng 9 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---