THƯƠNG EM CÔ GIÁO MIỀN TRUNG
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Chiều Hương Khê khắp tư bề gió lộng
Chợt nghe lòng lạnh nỗi nhớ thương em
Nước mắt rơi bên nấm mộ ướt nhèm
Sợ luốc lem đến từng trang sách vở.
Vọng Cổ
Hà Tĩnh ơi có nghe chăng tiếng lòng than thở, giữa ngày giỗ em nức nở vắng… vai… kề.
Câu 1. Lũ đã qua đi mà năm tháng cứ não nề.
Rừng núi chở che thời mưa bom pháo dội,
Nay ngậm ngùi không ngăn nổi tang thương.
Ngôi trường làng cầu Hối Hối còn vương,
Tận tụy sắt son cô giáo trẻ năm nào.
Núi Giăng Màn năm tháng buồn đau,
Đứng cạnh em chở che chồng sách cũ.
Lý Con Sáo
Thương trẻ thơ
Em băng núi vượt rừng qua sông
Nước cuộn dòng mênh mông
Tay ấp ôm sách vở vào lòng
Ôi xót thương mạch nhân nghĩa ấm nồng
Thấp thoáng bềnh bồng lời ca ngát trong
Tấm lòng son sừng sững trước cuồng phong
Các em khờ ngày đêm nhớ mong
Mái trường quê cứ mòn mỏi chờ trông.
Vọng Cổ
Xưa em dưỡng nuôi cho cây lớn vươn cành vạn mầm xanh Tổ quốc. Dạy các em thơ biết quý yêu từng tấc đất, gắn kết những chồi non thành bát ngát… xanh… ngàn.
Câu 5. Rừng chở che ta ngăn dòng lũ kinh hoàng.
Cho xóm làng xuân về trong mắt trẻ,
Chồng còn vợ hiền, mẹ không vĩnh viễn lìa con.
Để các em khờ bên cô giáo mầm non,
Cùng múa ca mắt xoe tròn hớn hở.
Hương Thủy ơi sáu năm trời còn nhớ,
Trần Thị Hoa * - cánh hoa nở mới lưng chừng.
Câu 6. Mưa bão kéo về hay nước mắt rưng rưng,
Thấm đượm đóa hoa thơm lừng bên ngôi mộ.
Ngủ đi em có rừng xanh che chở,
Lũ chẳng còn làm ướt vở nữa đâu.
Trường khang trang nay xây mới nhịp cầu,
Bước chân qua hồn hằn sâu nhân nghĩa.
Bài học năm nào nghe lòng thấm thía,
Rừng che chở ta – ta phải chở che rừng.
Hương Khê hoa nở thơm lừng
Tình anh đắp ấm trong từng nhớ nhung
Thương em cô giáo miền Trung
Xưa ôm sách vở nước bùn lấm lem./.
Long Xuyên, ngày 01 tháng 4 năm 2016.
__________________________________
( * Viết theo câu chuyện đau lòng của Cô giáo mầm non Trần Thị Hoa đã dũng cảm đi cứu tài sản của trường rồi chết trong lũ, xảy ra vào ngày 03/10/2010 tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---