BÁNH ĐÚC CÓ XƯƠNG
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Ầu ơ…
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ… ầu… ơ…
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng
Ngồi buồn vọc đục nước sông
Chiều ru văng vẳng não lòng ai…
Vào Nam Ai
…ơi!
Nhớ khôn nguôi lúc Mẹ qua đời
Tiếng ru hời chợt loang lổ tả tơi
Nước mắt rơi quyện đắng từng lời
Áng mây trời dầy phủ tuổi thơ
Bên bàn thờ lạnh lẽo trơ vơ
Trong cơn mơ con thấy mẹ về
Ngồi cận kề âu yếm mân mê
Thương nước sông quê Kênh Nhỏ dâng đầy
Chở tháng ngày yêu dấu về đây
Hai mươi năm vẫn nỗi nhớ này
Mãi đong đầy yêu thương
Nhớ giấc mơ xưa lòng con thêm nấc nghẹn
Cái Nước ơi Mẹ đã xa rồi
Dòng sông trôi bên lở bên bồi
Chảy ướt tràn mặn môi.
Vọng Cổ
Đông Thới chiều nay con đưa tay vọc đục dòng Kênh Nhỏ. Mượn nước sông quê tìm vạn thâm tình trong đó thuở Mẹ ngồi đây vò võ đợi… Ba… về.
Câu 1. Đáy nước lung linh in mái tóc thề.
Lóng lánh chờ trông nỗi niềm khắc khoải,
Trong sâu thẳm ánh nhìn miền xa ngái nhớ mong.
Sợ đường về mưa gió bão giông,
Thấm lạnh đôi vai oằn nặng của chồng.
Bên bếp than hồng cơm nấu vừa xong,
Tay bế tay bồng Mẹ ru giấc nồng con trẻ.
Ngâm Dặm
Cảnh nhà năm tháng gieo neo
Thân cò lặn lội quê nghèo nuôi con
Gian lao hôm sớm hao mòn
Đêm xưa bạo bệnh trăng tròn Mẹ xa.
Câu 2. Thương lắm đời Ba bên ngôi nhà vắng Mẹ, lặng lẽ bao năm nuôi con trẻ nên người.
Hốc hác xanh xao đổi lấy nụ cười.
Mùa nắng về con sông quê bãi bờ trơ nứt nẻ,
Ba quạnh quẽ bên đời lạnh lẽo những mùa mưa.
Rồi Mẹ về sưởi ấm lại bếp than xưa,
Dù các con vẫn chưa mở lòng đón Mẹ.
Cam chịu phận vai tiếng đời mẹ ghẻ,
Dưỡng dục con chồng bằng nhân ái bao dung.
Nói Lối
Nước sông quê đã tràn về dòng ngọt
Đời con khờ thôi vàng vọt xanh xao
Hai Mẹ hiền trên mảnh đất Cà Mau
Nghĩa cù lao suốt đời con gìn giữ.
Vọng Cổ
Mười tám tuổi con mất đi mái tóc thề người thiếu nữ, bởi di căn sau lần trải qua cơn bạo bệnh. Giấu giọt lệ rơi Mẹ nhìn con trìu mến, lòng cao cả thiêng liêng thơm ngát đến… vô… ngần.
Câu 5. Bao tiếng thị phi cay nghiệt đã vơi dần.
Con nhận ra mình rất cần có Mẹ,
Lo lắng thương chìu nhỏ nhẹ lời khuyên.
Hai tiếng “mẹ hiền” nơi góc tim riêng,
Con cất giấu từ ngày đầu tiên mất mẹ.
Ray rứt không yên một thời tuổi trẻ,
Nay xin kính dâng người “mẹ ghẻ” nhân từ.
Lý Con Sáo
Hai mươi năm
Muôn khó nhọc dần trôi qua
Một tấm lòng bao la
Mẹ cùng Ba vun vén gia đình
Thương các con vẹn mẫu tử thâm tình
Cái Nước quê mình dòng sông ngát trôi
Chở mênh mông lòng Mẹ trùng khơi
Tiếng ru hời ngày xưa tả tơi
Nay ngọt thơm êm ả lắm Mẹ hiền ơi!
Về Vọng Cổ
Câu 6. Đây bánh đúc có xương bởi muôn tình thương cao cả, của người Mẹ Cà Mau từng tấc dạ thơm lừng.
Xưa tiếng đời nói mẹ ghẻ… người dưng,
Nay con hiểu: Mẹ hơn cả núi rừng xanh thẳm.
Từ mảnh đất Phú Tân Mẹ về đây sưởi ấm,
Bằng một tấm lòng sâu đậm yêu thương./.
_________________________________
Long Xuyên, ngày 04 tháng 3 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---