TRÊN ĐẤT LỬA VÒNG CUNG - PHONG ĐIỀN
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Chiều xuống chậm trên quảng trường lịch sử
Lòng bâng khuâng nhớ chiến thắng Ông Hào
Đất Phong Điền lắm mất mát thương đau
Nơi lộ Vòng Cung năm nào khói lửa.
Vọng Cổ
Qua hai cuộc chiến tranh chống kẻ thù Pháp - Mỹ. Trên đất lửa Vòng Cung trở thành bản trường ca huyền thoại đã làm rẩy run khiếp vía... quân... thù.
Câu 1. Còn mãi nơi đây hào khí trên đất thép anh hùng.
Tôi bỗng nghe trong hơi đất tình người xứ sở,
Như sống lại trên cung đường ác liệt năm xưa.
Để ngắm nhìn nữ du kích đưa bộ đội vượt sông,
Trên chiếc xuồng ba lá chở nặng căm hờn.
Ký ức hào hùng trên mảnh đất kiên trung,
Là niềm tự hào của dân Vòng Cung đất lửa.
Câu 2. Quê hương qua rồi thời mưa bom pháo dội, bước theo lộ Vòng Cung như lạc giữa mây ngàn.
Cây trái sum suê nối thẳng tấp con đường.
Nghe cô gái dịu dàng câu nói:
Anh ghé lại quán ven đường uống rượu Hạ Châu.
Đất Phong Điền làm ngây ngất vạn hơi men,
Anh say rượu hay say hương tình xứ sở.
Ôi mùi mẫn vang xa đờn ca tài tử,
Bên chợ nổi đêm này gió mát trăng thanh.
Nói Lối
Đây trận Vàm Bi dội vang tháng ngày Đồng khởi
Tay không cướp đồn của du kích quê ta
Trời Phong Điền nóng trên đất lửa Vòng Cung
Cho triệu trái tim hồng hòa chung nhịp thở.
Vọng Cổ
Ngày ấy đất mẹ kiên trung đau lòng khi bị đạn bom tàn phá. Nhưng đất lửa Vòng Cung đã sản sinh ra dòng sữa ngọt nuôi lớn “vành đai xanh” phát triển xứ... Phong... Điền.
Câu 5. Tôi kẻ xa quê từ thuở lọt lòng.
Nên Phong Điền chỉ nghe qua lời má kể,
Vùng đất hoang tàn bị cày nát bởi chiến tranh.
Giờ được tận mắt nhìn diện mạo đô thị ven sông,
Nhà cửa khang trang vườn sum suê trĩu quả.
Đứng giữa quê hương nghe lòng yên ả,
Nhớ sâu nặng công ơn người ngã xuống nơi này.
Câu 6. Trên vùng đất lửa năm xưa: Vòng Cung đi dễ khó về,
Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom.
Mà nay mọi nẻo đường thênh thang trải rộng,
Đất đang chuyển mình thành một “vành đai xanh”.
Cam mật ngọt lành hương dâu man mác Hạ Châu,
Để ai xa quê cũng nặng tình thương nhớ.
Nay trở về kiếm tìm từng dòng hơi thở,
Gửi lại quê hương lưu luyến ngậm ngùi.
Chính nơi này má đã sinh con,
Tại bom kề hố bom đạn chen đầu đạn.
Trên đất lửa Vòng Cung - Phong Điền năm ấy,
Đang đổi mới không ngừng từng bước vươn xa./.
__________________________________
Long Xuyên, ngày 28 tháng 11 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---