ĐỨA CON PHONG ĐIỀN
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Về Phong Điền trong những ngày xuân mới
Thăm “cô gái vàng” bơi lội Quân khu
Em chính là niềm tự hào của sông nước miền Tây
Nguyễn Thị Ánh Viên – vẫn nụ cười hiền quen thuộc.
Lý Cái Mơn
Cần Thơ ơi miền quê sông nước
Bỗng thấy thân thương tuôn tràn xuyến xao trào dâng
Đến Giai Xuân lòng lưu luyến đất quê đậm đà
Càng yêu hơn tấm lòng người chứa chan
Khi thấy Ánh Viên cười vui
Luôn sáng ngời mắt trong vững một niềm tin.
Vọng Cổ
Rồi nội em kể tôi nghe chuyện cách đây hơn mười năm về trước. Do gia cảnh khó khăn nên mẹ cha luôn đêm ngày vất vả để nội trông coi đứa cháu… ngây… khờ.
Câu 1. Sông chằng chịt xung quanh xứ sở Phong Điền.
Làm nội cứ lo đứa cháu mình đuối nước,
Nên mỗi chiều tập lội ở con rạch trước sân.
Cô bé thuở nào sợ dòng nước Giai Xuân,
Bỗng dưng đam mê bơi lội lạ lùng.
Con rạch giờ đã chật chội đường bơi,
Nên nội dẫn em ra Miễu Ông lội dòng sông lớn.
Câu 2. Viên ngọc thô qua tháng năm giũa mài gian khổ, em đã làm rạng rỡ vang danh xứ sở Phong Điền.
Nhiệm vụ được giao em luôn xuất sắc hoàn thành.
Năm mười bảy tuổi em vinh dự thăng quân hàm Thượng úy,
Để đường hoàng là nữ chiến sỹ quân nhân.
Cứ qua mỗi kỳ Đại hội thể dục thể thao,
Em góp sức vào thành công cho Đoàn Quân khu 9.
Khi khoác lên mình màu cờ đỏ thắm,
Em tiếp tục mang về cho Tổ quốc vinh quang.
Nói Lối
Trên đường đua xanh em là kình ngư nổi tiếng
Lúc về nhà vẫn người con hiếu thảo ngày xưa
Cũng ra đồng xách nước giúp mẹ cha
Và tái tê mỗi độ xuân về trên đất khách.
Lý Con Sáo
Ôi Giai Xuân
Mảnh đất Phong Điền yêu thương
Luôn tự hào đứa con
Làm rạng danh vang dội quê nhà
Một kình ngư hiếu thảo chan hòa
Đêm giao thừa chốn xa nhớ thương
Luôn ngóng trông khắc khoải bao niềm riêng
Ơi tự hào người con hiếu trung
Dẫu nơi đâu cũng nhớ thương miền quê.
Vọng Cổ
Đã mấy năm rồi em chưa lần nào về nhà ăn tết. Cho nỗi nhớ quê hương trong đêm giao thừa xa xứ mằn mặn giọt nước mắt rơi không thốt được… nên… lời.
Câu 5. Muốn nói với nội, mẹ, cha: Tết con sẽ không về.
Nhưng cứ mỗi lần định cất lên tiếng nói,
Lại nghẹn ngào không diễn đạt thành câu.
Tấm chăn này mua cho nội đắp những đêm mưa,
Chiếc áo kia tặng mẹ khi đồng trưa nắng sớm.
Bàn tay cha chai sần xương mòn gối mỏi,
Muôn vạn kính yêu không nói hết nên lời.
Câu 6. Ánh Viên với nụ cười hiền chậm rãi sẻ chia,
Làm rạng rỡ quê hương em vô cùng hạnh phúc.
Giờ mẹ cha xây ngôi nhà khang trang lộng lẫy,
Em được góp phần đền đáp nghĩa công ơn.
Tôi tự hào vì có đồng đội như em,
Tuổi trẻ thành danh vẫn giữ nét khiêm nhường cao quý.
Tạm biệt ra về bỗng nghe lòng quyến luyến,
Nhìn con rạch trước sân chắc đã qua mấy bận lở bồi.
Em về được mấy ngày rồi lại tiếp tục đi xa,
Mang nhiệm vụ trên vai là niềm tự hào dân tộc.
Tôi đã nhiều lần thấy em rơi dòng nước mắt,
Giọt nước mắt ngọt ngào niềm kiêu hãnh vinh quang./.
___________________________________
Long Xuyên, ngày 15 tháng 11 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---