VỀ LẠI VỚI NHA TRANG
Đặng Thanh Huyền
NÓI LỐI
Lâu lắm rồi mới về lại Nha Trang
Thăm cố hương tôi ngỡ ngàng bao thay đổi
Xưa bước chân giẫm mòn trên khắp lối
Nay phố đã quên mình hay giận dỗi kẻ tha…
VÀO NAM AI
… phương.
Bởi ly hương biền biệt tháng năm trường
Nhớ con đường rợp bóng thùy dương
Thuở yêu đương hò hẹn chung thề
Tựa vai kề nhìn sóng vỗ đê mê
Giữa tư bề gió thổi vi vu
Biển hát ru đêm lãng đãng sương mù
Mình thả hồn vào thu
Trăng ưu tư vằng vặc ánh nhìn
Như đồng tình với mối lương duyên
Rồi thời gian đưa đẩy con thuyền
Bỏ lại miền yêu thương
Nay trở lại quê hương tóc xanh đà điểm bạc
Kỷ niệm xưa bỗng ào ạt ùa về
Để nhớ giăng khắp cả tư bề
Thêm não nề tha nhân.
VỌNG CỔ
Người rời đất xa quê luôn mong mỏi ngày về thăm cố thổ. Dù vạn lý trùng khơi ngàn con sóng vỗ cũng đâu thể cách ngăn niềm thương nhớ… trong… lòng…
CÂU 1. Muôn thuở trái tim dòng chảy mạch máu hồng… Dẫu có đi xa nửa vòng trái đất, vẫn mong tìm về nơi cắt rốn chôn nhau. Về bên rặng thùy dương nghe sóng biển rì rào, về lại Nha Trang thăm đêm nào hò hẹn. Về với cội nguồn nòi giống Rồng Tiên, về tắm yêu thương giữa miền ký ức.
NGÂM DẶM
Đứng bên Hòn Vợ - Hòn Chồng
Tay sờ phiến đá tìm dòng thề xưa
Dẫu mờ phai bởi nắng mưa
Mà nghe trong dạ vẫn chưa phai mờ.
CÂU 2. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn về thời áo trắng, thấy ánh tà dương đang thầm lặng buông mành…
Nghe sóng biển hát ru lời ngào ngọt dỗ dành… Tay nắm tay chưa nói tròn câu ước hẹn, đã ly biệt nhau rồi còn lời nghèn nghẹn trong ta. Hòn Vợ - Hòn Chồng niềm mơ ước đã xa, tình của đôi ta như ngọn đèn lắt lay trước gió. Ai bỏ đi rồi để ai từng đêm vò võ, cho ủ dột cả khung trời tuổi mộng thần tiên.
NGÂM THƠ
Đường về thăm thẳm mịt mù xa
Lối quen nay đã dựng xây nhà
Thùy dương cũng buồn xơ xác lá
Ta còn bầu bạn với mình ta.
VỌNG CỔ
Đêm chợ Đầm hồn ta dầm trong bể nhớ, như muốn nợ quê hương muôn thuở… ân… tình…
CÂU 5. Đường Trần Phú – Hùng Vương ta làm bạn với riêng mình… Đếm nỗi cô đơn qua từng ngõ vắng, nghe lạnh lẽo bao trùm lên thành phố Nha Trang. Lòng cứ ngóng chờ xe quá khứ đi ngang, để được quá dang về miền ký ức. Nghe lại tiếng gà mỗi tinh sương gọi thức, cùng bè bạn thân quen nô nức vui đùa.
CÂU 6. Thoáng chốc mà đã mấy mươi năm, sống kiếp tha nhân nơi xứ người lạc lõng. Nha Trang ơi đường thênh thang trải rộng, ta biết tìm phương nào hình bóng cố tri. Phủi nhẹ sự mưu cầu danh lợi sân si, nay về lại cố hương để mà thương mà nhớ. Gió biển đêm nay len qua từng hơi thở, quyện nước mắt kẻ ly hương nức nở tuôn tràn.
Thương nguồn về lại Nha Trang
Phố xưa thay đổi ngỡ ngàng lòng tôi
Trải bao sóng gió dập dồi
Cố hương vẫn mãi trọn đời trong tim ./.
________________________________________
Long Xuyên, 02h14’, ngày 16 tháng 9 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---