RẠNG NGỜI MIỀN ĐẤT ĐỎ YÊU THƯƠNG
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Bao năm rồi anh mới trở về thăm
Sông vẫn chảy, rừng vẫn xanh bát ngát
Riêng quê hương ân tình thêm dào dạt
Đẹp rạng ngời tựa thiếu nữ đôi…
Vào Nam Ai
... mươi.
Như sông trôi, lấp lánh bên đời
Chở câu thề son sắt đêm xưa
Dù nắng hay mưa mãi bền bỉ chặt lòng
Nghĩa vợ chồng, muối mặn, gừng cay
Chung một con đường hướng tới tương lai
Mẹ với cha vất vả tháng năm dài
Nuôi con mình - Phù Đổng vươn vai
Bình Phước dang tay chào đón anh về
Gieo nụ cười, hạnh phúc nơi nơi
Xanh ngát cao su, thăm thẳm chân trời
Che mát cuộc đời từng đứa con ngoan
Xưa Đồng Phú, Phước Long, Chơn Thành, Bù Gia Mập
Mỗi bước quân đi giẫm đạp bọn giặc thù
Để Suối Lam nay thơ mộng mặt hồ
Em đợi anh về bên Thác Mơ.
Vọng Cổ
Câu 1. Ơi đẹp lắm quê ta nay đã khoác lên chiếc áo lụa là tươi thắm. Dẫu nét kiêu sa mà thủy chung sâu đậm như màu đất đỏ thiêng liêng gieo ơn nghĩa thơm… lừng…
Đất dưỡng nuôi xanh ngát những cánh rừng… Rừng chở che thời điêu linh khói lửa, nay rừng che mát cuộc đời cho từng đứa con ngoan. Hớn Quản, Đồng Xoài, Bù Đốp, Bình Long, đâu đâu cũng tỏa ngát ơn tình. Đêm Phú Riềng em bỗng nhớ Lộc Ninh, nhớ bóng vai kề trên dòng sông Bé.
Ngâm Dặm
Thương sao một thuở nằm nôi
Vai gầy cha mẹ gánh đôi nhọc nhằn
Trăng ngà biếng rọi nếp nhăn
Sợ nhìn nước mắt ướt khăn thấm tràn.
Câu 2. Luôn bền bỉ kiên gan quyết bám rừng giữ đất, rồi những mùa vui cũng lũ lượt dắt nhau về…
Hương vị tiêu cay quên ngày tháng não nề… Vạn giọt mồ hôi đã ủ thành mật ngọt, trãi khắp quê mình cho xanh mượt vườn tiêu. Dáng mẹ hiền không còn nữa liêu xiêu, bước vững chãi sớm chiều đi tới. Mẹ sắm cho em áo lụa là may mới, dạo phố Đồng Xoài nghe phơi phới rạng ngời xuân.
Vọng Kim Lang
Anh thấy không rừng xanh
Xanh ngát xanh Chơn Thành
Đây Phước Long an lành
Miền quê mình Cát Tiên – Bù Đăng
Thác Mơ đón anh quay về
Mình hẹn thề sắt son tình chung
Tình mình dạt dào, ngọt ngào chan chứa
Ngát thơm muôn đời, ngời trong sông Bé đất quê ta
Tháng năm thiết tha dâng đầy
Chờ đợi ngày kết duyên trầu cau
Đêm nay ánh sao trên trời
Buồn não lòng bởi sương mờ giăng
Bình Long ngày nao trong khói lửa điêu linh
Nhói đau tim mình khôn nguôi
Anh về ta cùng chung tay
Gieo nắng xuân đắp xây đời phồn vinh.
Vọng Cổ
Câu 5. Sánh bước bên anh đêm Bình Long nghe ấm nồng tình yêu chan chứa. Chợt xao xuyến bâng khuâng nghĩ về mùa hè đỏ lửa… An Lộc ơi thương biết mấy cho… vừa…
Muôn vạn đóa công ơn mãi thơm ngát bên đời… Em bước chân đi sợ làm đau thớ đất, sợ giật mình ngàn giấc thiên thu. Giọng dặt dìu đêm lạnh lẽo ai ru, tiếng ầu ơ quyện sương mù An Lộc. Cỏ cây động lòng lấy nỗi buồn ra vọc, nhớ thương ai mà khóc ướt cả canh trường.
Câu 6. Nét rạng ngời em tròn tuổi đôi mươi, đẹp mái tóc xõa buông bên dòng sông Bé. Mặc áo lụa là em đón chờ thành phố trẻ, đi giữa Đồng Xoài rực rỡ cờ hoa. Rồi ta hẹn nhau về thăm lại sóc Bom-Bo, nghe rộn rã tiếng chày khua bập bùng ánh lửa. Ngồi bên Thác Mơ ta vai kề vai tựa, mơ hạnh phúc ngày mai trên miền đất hứa thanh bình.
Bình Phước quê mình tỏa rạng ánh bình minh, đang cất cánh bay cao phồn vinh muôn thuở. Tuổi đôi mươi em như loài hoa chớm nở, đẹp rạng ngời miền đất đỏ yêu thương./.
_________________________________
Long Xuyên, ngày 18 tháng 8 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---