VĨNH CHÂU NIỀM THƯƠNG NỖI NHỚ
Đặng Thanh Huyền
Lý Mỹ Hưng
Miền quê dâng đầy nhớ thương trong lòng
Về thăm Khánh Hòa ơi, sông chiều Mỹ Thanh tuôn dòng
Người đi rời xa thôn xóm, mãi tình sắt son
Thương nhớ giăng giăng, tràn tuôn Vĩnh Châu chiều nay
Nắng rơi Lai Hòa, Vĩnh Tân đồng xanh ngan ngát
Thiết tha ân tình, sâu nặng đất người Hòa Đông.
Vọng Cổ
Tôi rảo bước thong dong trên cánh đồng, chiều quê Vĩnh Hải. Vớt ánh tà dương đang đắm mình dưới lòng sông xiết chảy, chợt xao xuyến bâng khuâng tê tái… trong… hồn…
Câu 1. Khóe mắt cay cay, nghe dạ bồn chồn… Nỗi nhớ từ đâu cứ dập dồn trãi khắp, đêm Lạc Hòa mẹ thao thức đếm canh khuya. Ruộng hành tím tâm tình nức nở sẻ chia, thấm vị hương cay cho đầm đìa nước mắt. Con quặn thắt lòng cố mím chặt bờ môi, mà vẫn không vơi niềm đau chua xót.
Ngâm Dặm
Vĩnh Châu hành tím cha trồng
Bao mùa nắng cháy trên đồng rát da
Niềm thương nỗi nhớ quê nhà
Giấu trong khóe mắt tuôn sa đêm về.
Câu 2. Nhớ ngày con rời quê Khánh Hòa lên tỉnh học, mẹ nói vói theo mà nghẹn nấc từng lời…
“Nơi phố thị xa hoa vắng mẹ bên đời… Con đừng quên đất quê mình gian khó, mưa nắng bao mùa với hành tím, vuông tôm”. Thương vai cha nặng oằn, thương dáng mẹ lưng khom, tần tảo sớm hôm nuôi đời con khôn lớn. Sông Mỹ Thanh hay lòng tôi sóng gợn, khi ngọn gió bên cầu ra đón kẻ về thăm.
Lý Cái Mơn
Về quê hương chiều nay vương nhớ
Vĩnh Phước yêu ơi bao ngày thiết tha chờ trông
Đứng bên sông nhìn phương đó nhớ mong một người
Tình đôi ta mãi muôn đời sắt son
Em nhớ chăng ngày nao?
Đêm ước thề sáng trăng Vĩnh Hiệp kề vai.
Vọng Cổ
Ơi dòng nước khoan thai như dáng hình ai một bóng trang đài lộng lẫy. Còn nhớ không em đêm hẹn thề năm ấy, bên cầu Mỹ Thanh mình nguyện mãi... chung... tình...
Câu 5. Trăng vằng vặc soi tha thiết ánh nhìn … Đáy nước lung linh in bóng hình đôi lứa, hẹn ba mùa hành anh hứa sẽ về thăm. Nhưng lại để em chờ thương nhớ đầy giăng, cho sương ướt hồn tim trời Sóc Trăng thêm lạnh. Thương hành tím Vĩnh Châu vai yếu gầy mẹ gánh, nuôi nấng đời anh trong túng quẫn cơ hàn.
Lý Tòng Quân
Quê hương mình luôn thắm tình vẹn nguyên
Trải tháng năm với bao thăng trầm
Người đi xa lòng mong về xây đắp
Hành tím, vuông tôm Vĩnh Châu quê mẹ
Muôn đời trong tim, nuôi lớn từng đứa con.
Về Vọng Cổ
Câu 6. Ngắm ánh tà dương buông mành theo gió lộng, Mỹ Thanh yêu thương ngây ngất giọng em hò.
Hò... hơ... ơ...
Sông quê nay hết luỵ đò
Cầu xây mơ ước đôi bờ nối duyên
Tấm lòng chung thủy vẹn nguyên
Thương em gái nhỏ dịu hiền chờ anh./.
__________________________________
Long Xuyên, ngày 09 tháng 9 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---