TÂM TÌNH NGƯỜI EM HỒNG NGỰ
Đặng Thanh Huyền
NÓI LỐI
Đêm Cao Lãnh ai rao đờn vọng cổ
Bài hát quê mình mùa nước nổi đầy trăng
Có mái dầm Cha khua động nhớ văng
Ướt cả hồn sen lạnh lòng người thiếu nữ.
LÝ CON SÁO
Ôi ngân nga
Ai hát giọng buồn diết da
Nhớ đêm nào bên Cha
Nghe câu ca ấm áp chan hòa
Cho thêm yêu bài vọng cổ quê nhà
Thương ánh trăng ngà dầm lung phía xa
Suốt canh khuya vằng vặc rọi lòng ta
Bao tháng năm dài đầy dâng thiết tha
Như sông quê chở nặng giọt phù sa.
VỌNG CỔ
Đêm phố sen trên lối thân quen ngọn đèn giăng giăng mắt đỏ. Có người thiếu nữ trầm tư gửi hồn về phương đó, vọc nỗi cô đơn nghe nhớ… dâng… đầy…
CÂU 1. Nhoi nhói buồng tim đau trọn đêm này… Nước sông Tiền luôn đong đầy dòng ngọt, như rót vào lòng giọt nhớ giọt thương. Là câu vọng cổ đậm tình chan chứa của quê hương, bình dị ngát thơm bông điên điển vàng đồng. Ta đứng tần ngần lấy nhớ ra hong, nhưng chỉ dối lòng bởi trời không giọt nắng.
CÂU 2. Câu vọng cổ ai ngân bỗng lưng chừng đứt đoạn, cho người thiếu nữ tha phương bấn loạn giữa canh trường…
Chẳng biết về đâu trên hun hút nẻo đường… Bởi mái tóc còn vương mùi rơm rạ, dù gội rửa bao lần vẫn lạ với phố sen. Thèm tắm nước ruộng đồng cùng bè bạn thân quen, thuở bước chân trần dính đất phèn lầy lội. Thèm ăn món cá linh vào mùa nước nổi, ngắm Hồng Ngự quê mình điên điển nhuộm vàng sông.
TRĂNG THU DẠ KHÚC
Nhói đau trong dạ tuôn tràn mênh mông nhớ thương
Thân gái dặm trường, xứ lạ quê người
Về đâu hoang vắng đêm nay
Viếng thăm kỷ niệm thời thơ nơi chốn quê
Mai về bên Cha, bên ánh trăng ngà
Thoảng hương rơm rạ bao ngày vô tâm lãng quên.
VỌNG CỔ
Ơi con phố thênh thênh chỉ còn lại mình ên ta đếm bước. Ngẩn mặt nhìn lên lối về thườn thượt, nước mắt chợt rơi thấm ướt cánh... sen... hồng...
CÂU 5. Dù cách trở xa xôi vẫn vẹn giữ lòng… Quyết dưỡng nuôi lớn dần niềm mơ ước, người dược sĩ chuyên cần nhân hậu bao dung. Góc phố con đường in đậm vạn bước chân, dẫu có đi đâu cũng trở về quê hương Hồng Ngự. Tâm tình đêm nay của người thiếu nữ, cũng đứt đoạn theo câu vọng cổ u hoài.
CÂU 6. Mai ta về với ruộng lúa đồng bưng, dành tặng riêng Cha nỗi vui mừng hội ngộ. Để ánh trăng xưa không còn dầm lung thương nhớ, cho câu vọng cổ ca muồi thôi nức nở chờ mong. Hồng Ngự mùa này điên điển đã trỗ bông, mình sẽ ra sông thả hồn theo dòng nước nổi. Nghe mái dầm khua trong lòng bổi hổi, cho nước mắt tràn tuôn ngập lối đi về.
Đêm nay gió lạnh tư bề
Nghe bài vọng cổ não nề sầu vương
Tâm tình thiếu nữ tha phương
Phố sen lạc lõng canh trường ai hay./.
_______________________________________
Long Xuyên, 02h09’ ngày 14 tháng 9 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyển Từ nhỏ đã rất thích xem Cải Lương, đến năm 2002 khi vừa trúng tuyển vào Đại học Luật Cần Thơ thì tình cờ anh gặp được một người bạn học chung hát cho nghe câu vọng cổ, từ đó về anh tự mài mò sáng tác những bài vọng cổ đầu tiên cho đến nay. Anh hiện đang công tác trong Quân Đội (Đại úy, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát quân sự Khu vưc 92 - QK9)