TRÁI TIM ANH MÀU LỬA
Đặng Thanh Huyền
Lý Bông Dừa
Thương nhiều màu áo xanh kiên cường
Ngày đêm gian khổ anh đi chẳng nề gió sương
Lòng son gìn giữ quê yên bình
Nguy hiểm đâu màng vì dân càng xông pha
Đường xa ngàn dấu chân hằn in
Nồng thơm chứa chan ân tình, luôn lửa lòng trung kiên.
Vọng Cổ
Thành phố đã vào đêm ngàn sương giăng phủ. Chợt tiếng còi reo vang anh lên đường làm nhiệm vụ, bỏ lại sau lưng dang dở giấc… mơ… màng.
Câu 1. Vào hiểm ra nguy diệt giặc lửa hung tàn.
Từng đoàn xe vội vàng chuyển bánh,
Như bước quân hành đi xẻ dọc Trường Sơn.
Xưa cha ông mình đổ máu cứu nước non,
Nay anh “giành lại cái còn trong cái mất”.
Đêm lạnh lùng mặt đen nhẻm bụi than,
Mà ấm tim hồng lửa kiên gan sáng mãi.
Ngâm Dặm
Mồ hôi anh đổ thao trường
Để yêu thương tỏa ngát hương bên đời
Áo quần thấm giọt máu rơi
Tô hồng hạnh phúc rạng ngời nghĩa nhân.
Câu 2. Thương mùi áo thơm tho dính tàn tro khói bụi, giữa biển lửa xông pha của người chiến sỹ kiên cường.
Chẳng ngần ngại hy sinh, gian khổ xem thường.
Nơi anh bước là con đường sinh tử,
Khói quyện mịt mù che phủ lối đi.
Cứu lấy nụ cười, ngăn cảnh biệt ly,
Lưng cõng cụ già, tay ẵm bồng em nhỏ.
Khí phách hiên ngang trước dòng lửa đỏ,
Hơi ấm tình người lan tỏa giữa lòng dân.
Lý Cái Mơn
Ngàn yêu thương dành cho anh đó
Chiến sỹ trung kiên đêm ngày hiểm nguy kề bên
Quyết xả thân vì mái ấm bình yên dân mình
Rừng ngát xanh có anh về giữ canh
Bao trẻ thơ thầm mong
Mơ ước mình lớn lên áo mặc màu xanh.
Vọng Cổ
Ôi tự hào biết bao người chiến sỹ đã quên mình để giữ canh những cánh rừng xanh, những ngôi nhà mái ấm. Cho phố nhỏ được bình yên, cho quê hương rạng ngời tươi thắm, cho đôi mắt trẻ thơ không vấy bẩn bụi… tro… tàn.
Câu 5. Cho những cụ già được an vui hưởng cuộc sống thanh nhàn.
Đón nhận yêu thương ngập tràn hạnh phúc,
Gieo nhân nghĩa bên đời nuôi dưỡng vạn ước mơ.
Để ngọn lửa lòng nhen nhóm các em thơ,
Khi lớn lên được đi trên chiếc xe màu lửa.
Giống như anh trái tim hồng chan chứa,
Nồng ấm yêu thương lan tỏa hương đời.
Câu 6. Ngày thao trường đổ vạn giọt mồ hôi,
Đêm đã ngủ yên nhưng anh nào yên giấc ngủ.
“Vì nước quên thân vì dân phục vụ”,
Anh thuộc nằm lòng từng câu chữ thiêng liêng.
Vì nhiệm vụ hoàn thành đành gác lại tình riêng,
Để buồng cau cứ bao mùa chín rụng.
Màu trái tim anh kiên cường trung dũng,
Tô bức tranh xuân thêm rạng rỡ quê nhà.
Bụi tro áo lấm đường xa
Bởi còn nhiệm vụ quê nhà chưa xong
Trái tim hừng hực lửa hồng
Suốt đời anh sưởi ấm lòng em thương./.
______________________________________________
Long Xuyên, 01 giờ 49 phút, ngày 12 tháng 9 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---