NGƯỜI THẦY CAO CẢ ĐỜI CON
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Mưa rả rích quyện tiếng lòng tâm sự
Khi vô tình thấy nét chữ của Cha
Nhẹ nâng niu từng bụi phấn la đà
Dõi mắt xa giữa chiều tà buốt lạnh.
Văn Thiên Tường
Nhìn hạt mưa cứ đong đưa sắc màu sóng sánh
Con chợt nghĩ về màu tóc đã pha… sương
Đâu đây dưới mái trường, suốt mấy mươi năm
Bao mùa hoa thắm, hạ về rồi hạ ra đi
Áo học trò màu trắng chia ly, còn Cha ở lại đưa đò
Dẫu gian nan vẫn đêm ngày thầm lặng
Ôi ơn tình sâu nặng, Cha làm cha làm mẹ làm thầy
Con viết đầy trong trang giấy, mà chưa đầy chữ hiếu ân
Đã bao lần thức giữa đêm trăng
Thấy một vầng trăng vằng vặc bên đời
Như ngóng trông nơi phương trời diệu vợi
Lòng khôn nguôi mong đợi, dù hư vô tuyệt vọng não nề
Mẹ đi xa vĩnh viễn không về
Để Cha buồn tràn tuôn thương nhớ
Đến bao giờ mới nhẹ gánh âu lo.
Vọng Cổ
1. Giọt mưa ngoài trời đã ngừng rơi mà sao cứ bời bời trong lòng con trẻ. Thương giọng nói của Cha ngọt ngào như tình mẹ, nhớ bài học đầu tiên Cha dạy chữ … ơn… thầy…
Tha thiết bao la tình phụ tử dâng đầy…
Vừa cao cả tình cha, vừa thiêng liêng nghĩa mẹ,
Đêm cất giọng ru hời ngày kẽo kẹt võng đưa.
Khi con bắt đầu tập viết nét chữ “i a”,
Bàn tay gầy guộc của Cha đã thay thế người thầy.
Bao tháng năm dài con nào biết nào hay,
Ngọn núi Thái Sơn luôn bên đời che chở…
Ngâm Dặm
Mưa chiều chảy nhớ về đâu?
Mà nghe trong dạ u sầu mưa ơi!
Ngoài trời mưa đã thôi rơi?
Mà nghe buốt lạnh tả tơi cõi lòng.
2. Con nhẹ nâng niu ôm vào lòng nét chữ, trên tấm bảng đen còn lưu giữ ơn tình…
Cha lặng lẽ bao năm dưỡng dục đứa con mình…
Đâu ngại gian lao làm người đưa đò tận tụy,
Cho thêm bạc mái đầu vì nhuộm bụi lo toan.
Bao đêm trường ngồi canh giấc ngủ cho con,
Mà tay cặm cụi ghi, soạn từng trang giáo án.
Khi ánh dương hồng đằng xa ló dạng,
Cha vẫn còn ngồi với nét mặt trầm tư…
Nam Ai
Cha ơi, bởi con thảo hiếu chưa tròn nên cứ để Cha… lo
Tháng năm tận tụy đưa đò
Như bao đứa học trò của Cha
Xác xơ cội cây già
Đến màu tóc sương pha
Đây món quà chẳng xa hoa
Con dâng Cha một tấm lòng
Suốt đời phụng dưỡng hiếu ân
Mong Cha được vui cười
Thôi tháng ngày gian lao
Tình Cha mãi dạt dào
Suốt đời sưởi ấm tim con
Là núi Thái Sơn người thầy lòng mẹ
Dưỡng nuôi dạy dỗ ẵm bồng
Thiêng liêng ngọn lửa hồng
Muôn thuở ngọt dòng yêu thương.
Vọng Cổ
5. Con chợt nhớ như in ánh nhìn của Cha thuở ấy. Khi lời nói hồn nhiên “Cha ơi con muốn lần gặp mẹ”, Cha chẳng trả lời con mà nước mắt cứ… tuôn… trào...
Lặng lẽ hồi lâu trong giây phút nghẹn ngào…
Cha đưa bàn tay lên nhẹ xoa đầu âu yếm:
Cha vừa làm thầy, vừa làm mẹ con đây.
Ôi công cha nghĩa mẹ cao dầy,
Bởi thương con mà một đời gian lao dầu dãi.
Mẹ đã đi xa nơi cửu tuyền mãi mãi,
Như vẫn còn nơi đây tình mẫu tử đong đầy.
Lý Giao Duyên
Rả rích mưa… rơi
Trong lòng thấm… chảy
Nhớ mãi muôn… đời
Tha thiết ngọt… lời
Tình phụ tử Cha… ơi!
Giọt nước mắt tả… tơi
Tuôn ướt trái… tim
Bụi phấn rơi quyện lẫn nỗi niềm
Con đi tìm lòng cao cả người cha
Cũng là người thầy người mẹ thiêng liêng.
Về Vọng Cổ
6. Bụi phấn rơi rơi làm mái đầu Cha bạc trắng, hay bởi bao năm thầm lặng đưa đò.
Dẫu thân phượng già có cằn cỗi xác xơ,
Vẫn mãi dâng cho đời những đóa hoa tươi thắm.
Vì sự nghiệp trồng người Cha hy sinh thầm lặng,
Thương quá người thầy cao cả đời con./.
________________________________________
Long Xuyên, ngày 20 tháng 11 năm 2014.
(* Viết tặng tất cả thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam – 20/11)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---